Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thị trường tuần qua: Thế giới hoang mang vì Omicron, Việt Nam lo mở bay quốc tế

(VTC News) -

Kinh tế thế giới lao đao vì biến thể Omicron, hàng không Việt Nam tính toán để mở cửa bay quốc tế… là tin thị trường nổi bật tuần qua 26/11 - 3/12.

Siêu biến thể Omicron khiến kinh tế thế giới lao đao

Sự xuất hiện bất ngờ của biến thể Omicron khiến triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới trở nên mờ mịt. Omicron được cho là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát tăng cao của Mỹ, cản trở kế hoạch cắt giảm các biện pháp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và những ngân hàng trung ương lớn khác trên toàn cầu. 

Ngay từ trước khi biến thể mới xuất hiện, tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ số giá sản xuất vượt xa dự báo của giới quan sát. 

Thông tin về biến thể virus mới tại Nam Phi cũng lập tức khiến các thị trường tài chính trên khắp thế giới đồng loạt sụt giảm. Ngày 30/11, giá dầu thô Brent giảm 2,8% xuống 71,4 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9. Trước đó, giá dầu thô đã giảm hơn 10% ngay sau khi Omicron xuất hiện.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng liên tục phản ứng tiêu cực, nhà đầu tư nháo nhào tìm kênh trú ẩn. Tại Mỹ, thông tin nước này có ca nhiễm Omicron đầu tiên đã khiến chứng khoán giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch thứ Tư (1/12), sau 3 phiên giao dịch liên tiếp đi xuống trước đó.

Không chỉ chứng khoán và giá dầu, ngành du lịch thế giới cũng một lần nữa chật vật vì các lệnh giới hạn mới. Nhiều nước đã quyết định áp dụng chiến lược xây thành lũy chống COVID-19 khi ngừng cho phép người nước ngoài nhập cảnh để ngăn ngừa biến thể Omicron.

Thế giới hoang mang vì những thông tin về biến thể mới Omicron. (Ảnh: Reuters)

Việt Nam tính toán mở lại đường bay quốc tế giữa Omicron

Việt Nam dự kiến đầu tháng 12 bắt đầu mở lại các đường bay quốc tế. Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đầu tháng 11, Bộ đã trình Chính phủ phương án mở lại các đường bay thường lệ quốc tế với 12 quốc gia theo 3 giai đoạn cụ thể. Quyết định mở lại đường bay thương mại quốc tế dựa trên khả năng phòng chống dịch trong nước, tỷ lệ tiêm vaccine người dân; sự đồng thuận của các quốc gia, vùng lãnh thổ về việc kết nối đường bay, phương thức kiểm dịch...

Tuy nhiên, gần đây, do phát sinh biến chủng Omicron nên các nước, vùng lãnh thổ thận trọng hơn, xem xét kỹ việc mở lại đường bay và Việt Nam đang thảo luận với các bên liên quan trước khi "chốt lại", trình Thủ tướng quyết định.

Vietnam Airlines bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ

Sáng 29/11, chuyến bay mang số hiệu VN98 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines hạ cánh tại sân bay San Francisco. Đây là chuyến bay thường lệ đầu tiên trong lịch sử trên đường bay giữa Việt Nam và Mỹ do một hãng hàng không Việt Nam thực hiện.

Chuyến bay VN98 khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 19h42 ngày 28/11 (giờ địa phương, tức 10h42 sáng 29/11 giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay thẳng không điểm dừng từ TP.HCM đến San Francisco là 13 tiếng 45 phút.

Các chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350 (Ảnh minh họa: VNA).

Chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Từ ngày 28/11,Vietnam Airlines khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần giữa TP.HCM và San Francisco. Hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu để mở thêm đường bay mới đến Mỹ như giữa Los Angeles và Hà Nội hoặc TP.HCM. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350.

Hàng không cạn kiệt tiền, xin vay ưu đãi

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét, chấp thuận, gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ, vay tối đa 3 năm).

Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Theo VABA, từ khi bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng doanh thu giảm 80-90%; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt.

Ngoài ra, VABA cũng đề nghị được vay gói 25.000 - 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (nhà nước cấp bù lãi suất 4-5%); nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu về mức 1.000 đồng/lít; đề nghị cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa…

Bộ Xây dựng vào cuộc vụ phân lô, bán nền ở vùng chè Lâm Đồng

Liên quan đến loạt bài Cạo trọc màu xanh, đưa "rừng" bê tông lên đồi đồi xanh ở Lâm Đồng mà VTC News phản ánh, ngày 29/11, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đơn vị đã chỉ đạo nóng, yêu cầu Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc.

Sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, cùng ngày, Thanh tra Bộ Xây dựng lập tức có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị báo cáo sự việc.

Ghi nhận của PV VTC News, dọc các nhánh của loạt con đường nối TP Bảo Lộc với huyện Bảo Lâm như: Tản Đà, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Chi Lăng, Nguyễn Thái Bình...hàng trăm quả đồi bị cạo trọc màu xanh, trơ trọi đất đỏ.

Điển hình tại Lâm Đồng hiện nay là đại công trình của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển BĐS Khải Hưng (Khải Hưng Corp) với tên gọi khu nghỉ dưỡng Sun Valley. Đại công trình này "ngự" trên quả đồi 41ha thuộc một phần TP Bảo Lộc và một phần huyện Bảo Lâm. Vốn được phủ xanh bởi chè và cà phê, thế nhưng Khải Hưng Corp lại tài tình "nhào nặn" quả đồi 41ha này thành khu nghỉ dưỡng Sun Valley với quy mô 1.200 nền đất để bán.

Như đại đa số công trình khác tại Lâm Đồng, khu nghỉ dưỡng Sun Valley cũng được Khải Hưng Corp áp dụng mô-típ "hiến đất làm đường" để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó lại "đúng quy trình" xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để bán. Giá bán hiện tại đã lên tới 10 triệu đồng/m2 với các nền đất có diện tích từ 250-1.000m2. 

Những đại "dự án" cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng. (Ảnh: Thy Huệ)

VinBus bắt đầu hoạt động tại Hà Nội

Tuyến xe buýt điện của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus bắt đầu hoạt động, kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên có số hiệu E03 - khu đô thị Ocean Park - Mỹ Đình lộ trình chạy trên các tuyến đường trung tâm, kết nối phía Đông và phía Tây TP Hà Nội. 

Ngoài ra, VinBus tiếp tục khai thác 2 tuyến xe buýt điện mang số hiệu E05 lộ trình Long Biên - Cầu Giấy - khu đô thị Smart City và tuyến E01 lộ trình bến xe Mỹ Đình - khu đô thị Ocean Park. 

VinBus áp dụng giá vé chung của các tuyến xe buýt thành phố, vé lượt từ 7.000 - 9,000 đồng, vé tháng từ 55.000 - 200.000 đồng; miễn phí với người cao tuổi, người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo.

Các xe buýt này trang bị wifi miễn phí. Khách hàng cũng lần đầu tiên được trải nghiệm hình thức thẻ, vé điện tử trên các tuyến xe buýt điện. Xe cũng có nhiều công nghệ hiện đại, tính năng vượt trội và độ an toàn cao như: Hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn; Chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống phù hợp với người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai…

Tần suất hoạt động của các tuyến VinBus từ 15 - 20 phút/chuyến, hoạt động xuyên suốt từ 5h đến 21h hàng ngày. 

Vingroup đàm phán huy động 1 tỷ USD cho VinFast

Nguồn tin của Reuters cho biết, Vingroup đang thảo luận về việc gây quỹ trước khi VinFast có khả năng niêm yết tại Mỹ vào đầu năm sau. Tập đoàn có khả năng sẽ hoàn tất thương vụ gọi vốn này vào đầu tháng tới. Vingroup cũng đang đàm phán với các công ty cổ phần tư nhân toàn cầu.

Vingroup được cho là đang đàm phán cấp cao với Qatar Investment Authority (QIA), quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 300 tỷ USD đang thực hiện một loạt thương vụ đầu tư vào các thị trường cốt lõi từ châu Âu, Mỹ sang châu Á.

Bên cạnh đó là đàm phán với BlackRock - một quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới.

Reuters cho rằng, nếu huy động thành công, đây sẽ đợt huy động vốn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

SUV e36 của VinFast tại LA Auto Show 2021 ngày 17 tháng 11. (Ảnh: Reuters)

VsetGroup bị phạt 600 triệu đồng vì phát hành trái phiếu chui

VsetGroup (trụ sở chính tại 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) là doanh nghiệp đầu tiên bị xử phạt vì phát hành trái phiếu sai quy định trong đợt thanh tra về phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, VSETGroup chào bán trái phiếu của công ty ra công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cho các nhà đầu tư không xác định. Tuy nhiên, toàn bộ giao dịch này không được nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Với hành vi này, Tập đoàn VsetGroup bị phạt tiền 600 triệu đồng. Toàn bộ số chứng khoán đã chào bán không đăng ký bị thu hồi.

Đồng thời, công ty cũng phải hoàn trả toàn bộ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cho các nhà đầu tư và cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà công ty mở tài khoản thu tiền từ nhà đầu tư.

Bầu Thụy thoái gần hết vốn khỏi LienVietPostBank

LienVietPostBank cho biết Thaiholdings đã hoàn tất bán ra gần 22,4 triệu cổ phiếu LPB, tương đương gần 100% lượng cổ phiếu tổ chức này đăng ký bán trước đó.

Sau giao dịch, Thaiholdings chỉ còn nắm giữ 12 cổ phiếu LPB do không đủ lượng để thực hiện một lô giao dịch.

Ngoài Thaiholdings, một loạt cổ đông cá nhân có liên quan ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy) - Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - cũng liên tiếp bán ra cổ phiếu LPB gần đây.

Ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy), Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Ảnh: LPB.

Trong đó, ông Nguyễn Xuân Thủy (em trai ông Thụy) đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu LPB với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 1/12 đến 15/12.

Cũng trong thời gian này, bà Tống Thị Kiều Hoa (em dâu ông Thụy) đăng ký bán toàn bộ 28.336 cổ phiếu LPB đang nắm giữ tại LienVietPostBank.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Thuyết (em trai ông Thụy) đăng ký bán 330.300 cổ phiếu LPB cũng với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Nếu các giao dịch kể trên được thực hiện thành công, những người thân của bầu Thụy sẽ không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu LPB nào.

Hiện tại, ngoài vai trò là phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, bầu Thụy cũng đang là cổ đông tại ngân hàng này với hơn 32,2 triệu cổ phiếu LPB nắm giữ, tương đương 2,68% vốn nhà băng.

Cổ đông VietinBank sắp nhận hơn 3.800 tỷ đồng tiền mặt

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (CTG) thông qua nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%/cổ phiếu.

Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu CTG sẽ nhận về 800 đồng tiền mặt. Với vốn điều lệ hiện tại ở mức 48.058 tỷ, VietinBank có tương ứng hơn 4,8 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, nhà băng này sẽ phải chi khoảng 3.845 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức cho các cổ đông đợt này.

Trong đó, riêng Ngân hàng Nhà nước - đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại VietinBank - sẽ nhận về khoảng 2.500 tỷ tiền mặt từ việc sở hữu gần 65% vốn điều lệ ngân hàng. Tương tự, cổ đông chiến lược của VietinBank - The Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ - với gần 20% vốn nắm giữ cũng sẽ nhận về khoảng 760 tỷ đồng đợt này.

CÔNG HIẾU

Tin mới