Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM khó khăn trong việc di dời 6.500 căn nhà ven kênh rạch

(VTC News) -

Việc di dời 6.500 căn nhà ven kênh rạch ở TP.HCM đang gặp khó khăn về nguồn vốn ngân sách, cũng như về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 16/11, ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng - cho biết, việc di dời hàng nghìn căn nhà ven kênh rạch trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn ngân sách.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM trả lời câu hỏi liên quan đến việc di dời 6.500 căn nhà ven kênh rạch ở TP.HCM.

Theo báo cáo của đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị, kết hợp giải quyết tiêu thoát nước để chống ngập được Sở đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu.

Ông Long cho biết, TP.HCM đang hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường. Trong khi đó, các dự án di dời nhà ven kênh có cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu, nên đa số các dự án chưa được bố trí vốn hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Những mái tôn cũ nát dọc kênh rạch quận 8 TP.HCM.

Liên quan đến thực trạng trên, Sở Xây dựng đã có nhiều kiến nghị Sở KH&ĐT, UBND TP.HCM ưu tiên đưa các dự án trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, sau khi Quốc hội cho phép thành phố được sử dụng nguồn vốn dự kiến tăng thêm trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, Sở KH&ĐT sẽ rà soát, cân đối nguốn vốn đề xuất bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch theo kiến nghị của Sở Xây dựng.

Cũng theo báo cáo của đại diện Sở Xây dựng, ngoài khó khăn về nguồn vốn ngân sách, TP.HCM còn gặp khó khăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, đa số các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đều có pháp lý nhà, đất phức tạp như: nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, 1 phần trên đất, 1 phần trên kênh rạch.

Do đó, dẫn đến việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài, còn nhiều trường hợp tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch.

Liên quan đến những khó khăn trên, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách, để không chỉ thực hiện được mục tiêu của kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, mà còn thực hiện mục tiêu của kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải của thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

Bên cạnh đó, giao Sở TN&MT - thường trực Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hướng dẫn UBND quận/huyện. Cụ thể là quận 6 xử lý, giải quyết dứt điểm 88 căn chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường của dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2.

Ngoài ra, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án, trình UBND TP.HCM giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc thuê mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống.

Theo nhận định của Sở Xây dựng TP.HCM, sau khi đề án được UBND TP.HCM thông qua, sẽ tạo điều kiện để UBND quận/huyện triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.

Lương Ý

Tin mới