Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Tổng đài Hạnh phúc': Phụ nữ nên sống vì bản thân hay vì người khác?

(VTC News) -

Phim "Tổng đài hạnh phúc" đã đi qua 12 tập, cái kết câu chuyện về nhân vật Thanh để lại cho khán giả nhiều trăn trở về cuộc sống, số phận người phụ nữ.

Trong phim, tương tự các nhân vật khác kết nối tới văn phòng Tổng đài Hạnh phúc, Thanh cũng có cuộc đời nhiều ngang trái. Cô đã lập gia đình, có cô con gái đáng yêu, tưởng rằng cuộc sống nhưng bi kịch vẫn đến do “cô ấy không yêu chồng mình, mà là yêu người khác” (lời Kim Tử, tập 8).

Day dứt chuyện hy sinh

Cuộc hôn nhân đổ vỡ, Thanh không thể gặp lại bé Nấm – con gái mình. Cô chỉ có thể ngắm nhìn mà không được chạm đến đứa trẻ do chính mình mang nặng đẻ đau. Đây là bi kịch của Thanh và cũng là nỗi đau lớn nhất của phụ nữ.

Rất nhiều người đặt câu hỏi, liệu Thanh có sai khi sống thật với tình yêu của mình? Thanh có sai khi chọn nghe theo con tim, khi không hy sinh tình cảm cá nhân để được ở bên bé Nấm?

 

Từ rất lâu, hy sinh nhu cầu, sự nghiệp vì chồng con, gia đình là đức tính được tôn vinh của phụ nữ Việt. Thậm chí nhiều người vợ, người mẹ còn "mắc hội chứng nghiện hy sinh”; càng dồn hết tâm sức cho gia đình và bỏ rơi bản thân thì họ càng cảm thấy thỏa mãn. Cái họ hy sinh là sự nghiệp, mối quan hệ của chính mình để có được cảm giác mình vĩ đại, cao cả trong đánh giá của người khác. 

Bởi suy nghĩ khác với lối mòn đó mà Thanh bị đánh giá ích kỉ, sống cá nhân... Tư duy lối mòn này khiến một nhu cầu cơ bản trong cuộc đời mỗi người - nhu cầu được yêu - cũng trở thành thứ bị đem ra cân đo, đánh đổi. Và rồi chính Thanh cũng bị dằn vặt bởi sự đánh đổi đó.

Khi Thanh cùng chồng mới định cư ở nước ngoài thì nhận được tin bé Nấm bị ung thư máu. Cô bất lực nhìn bệnh tình con gái dần chuyển nặng rồi qua đời. Con mất, Thanh có ý định tự tử, không chỉ vì mất bé Nấm mà còn vì day dứt do không thể chăm sóc, bảo vệ con.

 

Khi người phụ nữ tự tạo áp lực về sự hy sinh, họ căng thẳng, mệt mỏi và sinh ra tự trách. Thanh liên tục nghĩ đến hai chữ "giá như". Giá như cô hy sinh tình yêu của mình, giá như cô chấp nhận sống cuộc sống hôn nhân đó đến cuối...

Sự hy sinh dường như không còn là đức tính mà trở thành bức tường ngăn cản cô bảo vệ sự sống. Sau khi bé Nấm mất, nỗi nhớ nhung con quá sâu sắc khiến Thanh không thoát khỏi sự hành hạ của nỗi ăn năn. Cô thường nhìn ảnh con, khóc một mình, luôn tự trách bản thân về những gì đã qua. Vì thế, cô không thể sống hạnh phúc với người chồng thứ hai, hậu quả là chồng mới cũng phản bội Thanh.

 

Chính Thanh chọn từ bỏ con để đi theo người chồng mới, và rồi nhận “trái đắng”. Cái kết này khiến nhiều người trăn trở: Người phụ nữ đi theo “tiếng lòng” của mình sẽ khó hái “quả ngọt” đến vậy sao?

Cái kết không đúng, cũng chẳng sai

Trải qua nhiều lần muốn tự tử, cuối cùng chiếc hộp đựng những hạt đậu xanh của bé Nấm đã giúp Thanh tìm lại mục đích sống. Câu nói vang vọng của bé Nấm khiến người xem rơi lệ: "Bà nội nói, mẹ ở đó có nhà đẹp, có xe đẹp, có thức ăn ngon. Thế thì mẹ đừng về. Con rất nhớ mẹ, nhưng con mong mẹ hạnh phúc hơn cơ". Một cô bé còn rất nhỏ, mang căn bệnh không thể chữa khỏi lại dành cho mẹ một tình yêu to lớn, thuần khiết và mãnh liệt đến thế.

Chính tình yêu đó đã nhen nhóm lại khát vọng sống tiếp của Thanh, thậm chí khiến cô muốn sống theo cách có ý nghĩa, có giá trị hơn nữa. Thanh tham gia một nhóm từ thiện với công việc chủ yếu là nấu cháo cho bệnh nhân có HIV/ AIDS, đặc biệt là trẻ em bị mắc bệnh từ cha mẹ chúng.

 

Với nhiều người, chuyện của Thanh có cái kết buồn khi cô vừa mất chồng vừa mất con. Đi theo tiếng gọi tình yêu nhưng cuối cùng cô lại phải sống một mình. Nhưng theo góc nhìn khác, việc đi theo tiếng gọi tình yêu đã giúp cô nhìn nhận và trưởng thành, cùng với đó là sự thanh thản.

Khi con bé mất đi, cô ấy cho rằng mình đã mất tất cả. Nhưng bây giờ, cô ấy hiểu ra, yêu thương một người không nhất thiết phải sống bên cạnh người đó, mà đôi khi nó có thể là nỗ lực hết mình để thực hiện ước nguyện của người đó”, Kim Tử nói trong tập 11.      

Dù cái kết này là buồn hay vui thì ít nhất, Thanh cũng được sống thật với trái tim, với suy nghĩ của bản thân. Bởi nếu làm trái với nguyện vọng của mình, tiếp tục sống chung cùng chồng cũ, có lẽ cô sẽ không bao giờ ngừng đau khổ và chịu đựng.

 

Ai đúng, ai sai? Điều gì sẽ là thước đo để xác định đúng sai, thành bại ở nhân gian? Chắc chắn đó là sự thanh thản trong tâm hồn. Thanh thản không phải là sự hài lòng, không phải là sự buông xuôi chấp nhận. Đó là sự buông bỏ sau khi đã hoàn thành trách nhiệm”, Kim Tử nói trong tập 11.

Trong những tập phim này, nhân vật chồng Thanh không được nhắc đến nhiều nhưng cũng tạo dấu hỏi lớn trong lòng khán giả. Thanh không có tình yêu nhưng vì sao quyết định lấy chồng cũ và sinh bé Nấm? Phải chăng Thanh đã yêu chồng cũ, quyết định lấy anh, sinh con, sau đó mới dần mất tình cảm? Vậy thì nguyên do nào khiến tình cảm của cô phai nhạt? Câu chuyện của Thanh đi vào hồi kết nhưng bài học mở ra lại khiến người xem trăn trở.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, nhìn chung, tỷ lệ ly hôn ở nước ta đang có xu hướng tăng trong 10 năm qua (năm 2009: 1,0%, năm 2019: 1,8% tổng số dân trên toàn quốc).

Tỷ lệ ly hôn có sự khác biệt theo giới tính và khu vực thành thị, nông thôn: Tỷ lệ ly hôn của nữ giới cao hơn nam giới (2,1% so với 1,4%), khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (2,1% so với 1,6%).

NGỌC VÂN

Tin mới