Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phim 'Tổng đài hạnh phúc' và bài học cảnh tỉnh những người đang bế tắc

(VTC News) -

Những câu chuyện trong "Tổng đài hạnh phúc" thực sự có giá trị cảnh tỉnh những người đang gặp đau khổ, bế tắc và muốn tìm cái chết.

Khung giờ phim Gia đình 4.0 (VTV2) đang chiếu bộ phim Tổng đài hạnh phúc. Gọi đến tổng đài là những người tuyệt vọng không còn muốn sống. Nhiệm vụ mà Kim Tử, người phụ trách tổng đài, giao cho shipper Long là giúp họ tìm lại giá trị, ý nghĩa cuộc sống của mình.

Dù mới chiếu 4 tập nhưng Tổng đài hạnh phúc đã nhận được sự quan tâm của khán giả. Không chỉ nói đến tình cảm gia đinh, phim còn đề cập đến tình trạng tự tử đang gia tăng trong thực tế.

 

Thế giới phát triển, hiện đại, tiện nghi thì con người phải đối diện với nhiều áp lực hơn. Trước những khó khăn đó, nhiều  người không thể vượt qua nên chọn cách tự tử để chấm dứt tất cả.

Trong 4 tập đầu tiên, hai nhân vật là Hùng và Hải muốn tự sát. 10 năm trước, trong lúc nóng giận vì đứa con gái 10 tuổi làm đổ màu lên bức tranh mình đang vẽ dở, ông Hùng mắng con và ngay hôm đó, con gái ông mất tích. Hơn 10 năm, ông lang thang đi tìm con, bị giày vò bởi nỗi hối hận vì đã nặng lời với đứa trẻ. Quá mệt mỏi và bế tắc vì không tìm thấy con gái, ông muốn tự sát.

Khác với ông Hùng, Hải tìm đến cái chết do vấn đề tiền bạc. Ngày càng sa đọa trong cờ bạc, Hải nợ nần chồng chất, trở thành nghịch tử trong gia đình. Bố anh vì vậy mà lên cơn tai biến qua đời. Khi Hải muốn quay đầu làm lại thì bố đã ra đi, chủ nợ kéo đến.. khiến Hải bế tắc, muốn chạy trốn cuộc đời.

 

Ông Hùng và Hải chỉ là hai trong số nhiều nhân vật của series phim Tổng đài hạnh phúc có ý nghĩ tiêu cực, mong muốn được giải thoát khỏi sự giày vò về thể xác và tinh thần bằng việc quyên sinh.

Đối lập với họ là những nhân vật có tư tưởng tích cực, luôn mong muốn giúp đỡ người khác mà đại diện là các bạn trẻ Long, Huyền, và đặc biệt là Kim Tử. Nếu Huyền tìm cách giúp người khó khăn bằng cách thành lập nhóm thiện nguyện thì Kim Tử và Long lại giúp những người tuyệt vọng tìm thấy giá trị và ý nghĩa cuộc sống của họ, để họ tiếp tục sống và hoàn thành trách nhiệm đối với người thân, với gia đình, với xã hội.

Những tập đầu của Tổng đài hạnh phúc đang đề cập đến một vấn đề đáng báo động trong xã hội, đó là tình trạng tự tử. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố tháng 9/2019, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự sát. Ở Việt Nam, thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai năm 2018 cho biết, số người chết do tự tử chiếm 33,7%, xếp thứ 2 chỉ sau tai nạn giao thông.

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn một người tới hành vi tự sát là stress, nợ nần, trầm cảm.. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên (Bệnh viện Bạch Mai), đa số bệnh nhân tìm đến cái chết có dấu hiệu căng thẳng, xung đột tâm lý dẫn tới buồn chán, bỏ ăn, bỏ ngủ, dính tới tiền bạc... Có người thậm chí vẫn tiếp tục tự tử sau nhiều lần được cứu sống.

Tự tử không kết thúc sự bế tắc

Rất khó để áp đặt quan điểm của một ai đó vào người muốn tự sát, bởi nạn nhân bị nỗi đau giày vò khiến các cảm xúc tiêu cực bị phóng đại, quên đi hoặc bỏ qua những vấn đề đáng quan tâm khác. Do đó trong thực tế, rất khó giúp những người trầm cảm muốn tự sát. Có lẽ vì thế mà trong phim Tổng đài hạnh phúc, cần có siêu năng lực của Kim Tử để kéo những người muốn tự tử ra khỏi cảm xúc tiêu cực của họ.

Khi ông Hùng muốn tự sát vì ân hận chuyện con gái, Kim Tử nhắc rằng ông còn một người mẹ cần chăm sóc. Khi Hải muốn tự sát vì hối hận với bố mẹ, vì bế tắc với những khoản nợ nần, Kim Tử cho anh ta thấy một tương lai còn tồi tệ hơn - đó là chủ nợ chuyển sang giày vò con trai anh ta. Đưa nạn vào một hoàn cảnh trong tương lai hoặc quá khứ, để họ chứng kiến và hiểu nỗi đau sẽ không mất đi sau khi mình chết, cái chết không hoàn toàn là sự giải thoát, đó là cách Kim Tử và Long cứu người.

Những câu chuyện trong Tổng đài hạnh phúc có giá trị cảnh tỉnh những người đang gặp đau khổ và bế tắc. Người ta tìm đến cái chết vì tin rằng đó là sự giải thoát, là cách chuộc tội... Nhưng thực tế không bao giờ là như vậy. Sau cái chết của mỗi người sẽ là nỗi đau của những người thân, và gánh nặng trách nhiệm mà họ giũ bỏ lại đè lên vai những người khác.

Sau tất cả, câu nói “Con xin lỗi mẹ” của ông Hùng, câu nói “Con xin lỗi bố. Con xin lỗi mẹ. Anh xin lỗi...” của Hải sẽ càng có ý nghĩa hơn khi chính họ tự vượt qua nỗi đau, dám đối diện, trực tiếp nói lời xin lỗi với người thân thay vì thông qua những dòng thư tuyệt mệnh.

Video: Tralier phim "Tổng đài hạnh phúc"

 

Minh Trang

Tin mới