Thông tin trên được ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu ra tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổ chức sáng 24/12 tại TP.HCM.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra. Tuy nhiên, công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
"Tình trạng "báo hóa” tạp chí, các biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí", ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ hai bên phải qua) chỉ đạo hội nghị.
Theo ông Trần Thanh Lâm, các cơ quan tạp chí này có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo. Một số cơ quan báo chí trong quá trình liên kết đã giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm, buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích.
Một số lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình; việc quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết còn lỏng lẻo, dễ dẫn đến sai sót. Các bài viết còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn...
Một số cơ quan báo chí tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối; tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn thực hiện kéo dài, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Một số sở thông tin và truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn.
Ngoài ra, vai trò của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt đối với cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Hội nghị Báo chí toàn quốc có sự tham dự của hơn 700 đại biểu.
Bên cạnh những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hoạt động báo chí trong năm qua cũng đạt được nhiều nét nổi bật như: thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu...
Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, hội nghị dành thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 và trong giai đoạn tới.
Thay mặt Ban tổ chức, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025. Ban tổ chức Hội nghị đã lựa chọn 32 tập thể để tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.