Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Cần quan tâm, hỗ trợ báo chí chính thống phát triển'

(VTC News) -

Để hạn chế các thông tin xấu độc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chính các cơ quan, doanh nghiệp phải chủ động lên tiếng trước hoặc ngay sau khi xuất hiện.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thông tin thêm về một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt về “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Ra “đầu bài” thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả

Phó Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là dùng máy tính, dùng công nghệ thông tin, mà đã đến lúc phải cùng nhau khẳng định chuyển đổi số cần phải tiếp cận ở mức sẽ thay đổi toàn bộ tư duy, phương pháp, quy trình, mô hình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp đến phát triển của tất cả các tổ chức các doanh nghiệp và của từng người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phần trả lời chất vấn chiều 4/11. 

Phó Thủ tướng lý giải, khi triển khai các đề án liên quan đến chuyển đổi số có những vướng mắc về cách làm, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật, điều này là dễ hiểu và xảy ra ở nhiều nước, bởi khi làm văn bản quy phạm pháp luật chúng ta chưa lường hết sự thay đổi rất nhanh chóng của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng cho biết, trong số 25 dịch vụ công được đưa ra rất chi tiết trong Đề án 06, hiện nay còn 4 dịch vụ chưa thực hiện xong, trong đó có 3 dịch vụ vì liên quan đến các ngành tư pháp, y tế, bảo hiểm, công an và một dịch vụ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ bằng camera, còn gọi là phạt nguội.

Theo Phó Thủ tướng, “tất cả đã sẵn sàng nhưng vướng một điều trong luật muốn phạt nguội được thì người được phạt nguội phải đến trình diện xác nhận, nhưng đã đến xác nhận rồi thì cần gì làm trực tuyến”. Câu chuyện đó dẫn đến tranh luận vậy chúng ta có dám làm trái quy định trong trường hợp cụ thể của luật mặc dù đúng hay không?

Phó Thủ tướng cho biết, những bức xúc liên quan đến người dân đã được các cơ quan bàn rất trách nhiệm và báo cáo Chính phủ, để triển khai. Những vấn đề có thời gian để điều chỉnh cho bài bản thì sẽ tiếp tục củng cố các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng thực hiện khi có điều kiện.

Về dịch vụ công trực tuyến, theo Phó Thủ tướng, 10 năm trở lại đây, đã có tiến bộ, chưa lúc nào bị xếp dưới bậc 80, năm nay đứng thứ 86 trên thế giới bằng với năm ngoái, so với năm 2018 tăng 2 bậc.

Một trong những điểm sáng gần đây là chúng ta đưa vào triển khai cổng dịch vụ công quốc gia. Có thể nói, chúng ta đã làm được những bước hết sức quan trọng. Tôi đã từng báo cáo tại Quốc hội, chúng ta có khoảng trên 120.000 thủ tục hành chính, hiện nay đã đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia 6.511 thủ tục, trong đó, 4.200 dịch vụ công đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến, đạt gần 64%, trong số này, có những dịch vụ công đã được nhiều người dùng, có dịch vụ rất ít người dùng.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng cho biết, đã từng có hai luồng quan điểm khác nhau, một là chỉ nên chọn những dịch vụ công nào nhiều người dùng thì làm, hai là cứ làm tất cả vì tất cả cùng làm sẽ tạo một khí thế không có cảnh người làm thì làm, người không làm thì bình luận. Điều quan trọng là chúng ta cứ làm nếu phát hiện các dịch vụ công nào mà ít người sử dụng thì chúng ta phải xem lại thủ tục hành chính có cần không.

Chia sẻ về động lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị xã hội, quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, động lực quan trọng chủ yếu là sự quan tâm của Chính phủ, của người dân, động lực cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tham nhũng vặt, thể hiện Chính phủ hoàn toàn minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình. Đây là động lực chủ yếu của các nước trên thế giới. Đặc biệt, nước ta nhấn mạnh động lực cải cách để đảm bảo Chính phủ minh bạch, qua các dữ liệu thu thập được để có mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

Theo Phó Thủ tướng, Đề án cơ sở dữ liệu của ngành công an là trọng điểm, được đầu tư quy mô, bởi cơ sở dữ liệu về dân cư đã được luật định, là cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý với lực lượng chính quy hóa đến cấp xã. Đây cũng là cơ sở dữ liệu đã được đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực.

Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho riêng Chính phủ, mà cho toàn bộ hệ thống chính trị. Đề án này khi thực hiện cũng đã bộc lộ ra nhiều khó khăn, vướng mắc chúng ta cần giải quyết, trước hết là đả thông tư tưởng của tất cả các Bộ, ngành, các cấp. Kết quả ban đầu cho thấy, chúng ta đã thực hiện đúng hướng, và đạt được các mục tiêu cơ bản.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội, thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu, Phó Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu cần ra “đầu bài” thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.

Cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động thông tin chính thống

Về không gian mạng, Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta phải tăng cường làm sao có nhiều thông tin chính thống. “Ở đây liên quan đến câu chuyện phát triển báo chí chính thống, chúng ta cần phải tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cho lực lượng báo chí chính thống phát triển. Đặc biệt quan trọng là các cơ quan Nhà nước ở tất cả các cấp và các doanh nghiệp cần chủ động để đưa thông tin của mình ra một cách nhanh nhất. Bởi vì cách chữa những thông tin xấu độc nhanh nhất là cơ quan đưa thông tin chính thống trước lúc đó hoặc ngay khi xảy ra sự việc, việc này các báo không chủ động làm được nếu các cơ quan có chức năng không lên tiếng”, Phó Thủ tướng nêu.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh việc xử lý vi phạm, cần khuyến khích người dân, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người dân khi quyền lợi bị xâm phạm bởi các tin tức xấu độc. Điều quan trọng hơn nữa, cần phải tăng cường phổ biến tri thức nâng cao hiểu biết của người dân trước những rủi ro; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi văn hóa của người dân.

Thanh Hà (VOV.VN)

Tin mới