Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tín dụng đen 'cắt cổ' khách hàng: Vay 25 triệu đồng, trả nửa tỷ vẫn chưa hết nợ

(VTC News) -

Vay 25 triệu đồng qua các app tín dụng nhưng sau vài tháng, anh H (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phải trả số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng.

Đầu năm 2020, anh T.Q.H có vay khoảng 25 triệu đồng qua 3 app tín dụng trên mạng. Thời gian ngắn sau đó, anh H giật mình khi thấy càng trả anh càng nợ nhiều hơn. Từ số tiền 25 triệu đồng ban đầu, đến nay số tiền phải trả đã nhân lên rất nhiều lần, đến gần 600 triệu đồng với khoảng 30 app, đến chính anh H cũng không nhớ nổi mình đã vay bao nhiêu ứng dụng để trả nợ.

"Đầu năm tôi có vay ít tiền do có việc gấp, thấy bạn bè giới thiệu vay tiền qua những app này nhanh, thủ tục dễ dàng và được giải ngân luôn tôi mới vay 25 triệu đồng từ 3 app DoctorDong, vayfast và ATM Online. Khi tải các app này về tôi chỉ việc điền thông tin cá nhân, tài khoản Facebook là có thể được duyệt vay nhanh chóng mà không cần chứng minh khả năng tài chính hay thế chấp bất cứ thứ gì. Thấy vay dễ lại đang cần tiền gấp nên tôi vay mà không hề biết rằng mình đã bước vào ma trận của những app tín dụng đen này", anh H. nói.

Anh T.Q.H. vay 25 triệu đồng, sau nhiều tháng trả nợ vẫn không hết, thậm chí số nợ còn tăng lên. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Theo anh H. việc vay dễ nhưng số tiền thực nhận không bao giờ được như số tiền vay. Cụ thể, với app DoctorDong cho vay với tên LGC (vay 10 triệu đồng phải trả trong 30 ngày là 13,9 triệu đồng, gia hạn một lần thanh toán là 3,9 triệu đồng, đã gia hạn 2 lần nhưng tổng phải trả vẫn là 13,9 triệu đồng).

Một ứng dụng khác là Vayfast thực nhận khi vay là 2,5 triệu đồng nhưng hệ thống ghi nhận người vay 3,5 triệu đồng và số tiền phải trả trong 21 ngày là 3,6 triệu đồng. Phải thanh toán trước một ngày và nếu không thanh toán theo giờ quy định của app thì sẽ bị nhân viên gọi điện, khủng bố tinh thần. Ứng dụng Tamo cho vay 5 triệu đồng, trong 30 ngày phải trả 8,4 triệu đồng.

Anh H. cũng thông tin, khi đến kì trả nợ mà chưa thể trả ngay sẽ bị phạt lãi vay tính theo ngày: "Với app favy, tôi vay 5 triệu đồng, tuy nhiên đến nay tôi đã quá hạn trả 20 ngày và số tiền tôi bị phạt chậm trả lên tới 18 triệu đồng. Không chỉ app này mà nhiều app khác cũng áp dụng mức phạt tương tự".

Trong 15 ngày đầu tiên sau khi đến hạn thanh toán mà người vay chưa trả là thời điểm những "con nợ" bị khủng bố điện thoại nhiều nhất. Có ngày anh H. nhận khoảng 200 cuộc gọi từ các số lạ với nội dung yêu cầu trả số tiền đã vay. Sau khoảng thời gian này sẽ đến lượt gia đình, bạn bè đồng nghiệp, chỉ cần người nào có tên trong danh bạ điện thoại là sẽ bị gọi đến để làm phiền.

Các ứng dụng cho vay tiền dùng nhiều cách để gây áp lực với "con nợ" để bắt trả tiền.

"Chưa dừng lại ở đó, họ còn ghép ảnh của tôi thành ảnh truy nã, họ bình luận vào tất cả các bài đăng trên mạng xã hội của tôi, của bạn bè, đồng nghiệp tôi khiến tôi mất hết danh dự. Cũng chính vì họ khủng bố như vậy nên tôi đã bị đuổi việc ở công ty cũ, khó khăn lắm mới xin được việc chỗ khác và tôi cũng đang rất lo sợ sự việc vỡ lở, tôi sẽ lại mất việc. Không phải là tôi không muốn trả nhưng do đợt vừa rồi dịch COVID-19 ai cũng khó khăn nên tôi rất kẹt tiền. Chỗ nào có thể vay tôi đã vay hết rồi, giờ anh em, bạn bè thậm chí đến bố mẹ cũng không nhìn mặt tôi nữa vì nghĩ tôi chơi bời nên suốt ngày nợ nần. Nhưng thực tế là do lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ vay vài chục triệu mà giờ khoản nợ của tôi đã lên vài trăm triệu, vượt quá khả năng của tôi", anh H. tâm sự.

Vay 5 triệu đồng nhưng số tiền phải trả lên tới gần 18 triệu đồng.

Lý giải về nguyên nhân tại sao từ số tiền vài chục triệu ban đầu trở thành cả nửa tỷ bạc, anh H cho biết là do đến kỳ trả nợ các khoản nợ cũ nếu chưa có tiền trả nợ sẽ có người gọi điện, hướng dẫn vay ở các ứng dụng khác để trả. Nhân viên của ứng dụng sẽ gửi đường link đăng ký vay ở khoảng 4-5 app khác để "con nợ" tiếp tục vay ở app mới trả vào nợ cũ, số tiền vay ở ứng dụng mới sẽ bị khống chế trong khoảng 1 - 2 triệu đồng, muốn vay nhiều bắt buộc phải vay từ nhiều ứng dụng.

Chính cách này khiến cho số tiền nợ của các "con nợ" ngày càng tăng và tăng theo cấp số nhân vì phải đi vay lãi để trả lãi.

Không chỉ một mình anh H. lâm vào tình cảnh như vậy mà còn rất nhiều khác đang trong tình trạng tương tự. Anh H. cho biết: "Mình đã vay thì mình phải trả nhưng số tiền nợ ngày càng tăng lên nhanh vì lãi quá cao khiến mình bị đổ bể về mặt tài chính, dẫn đến việc không thể trả được số tiền đã vay cộng lãi cao như vậy. Hiện tại tổng số tiền mình nợ lên đến gần 600 triệu đồng với khoảng 30 ứng dụng vay. Rất nhiều người cùng nhóm với mình hiện đang làm đơn kêu cứu gửi công an và cũng mong muốn sẽ có một quy định cụ thể về cách thức đòi nợ. Chứ dồn người khác đến bước đường cùng thế này không ổn chút nào".

Theo ghi nhận của PV VTC News, việc vay tiền online rất dễ. Chỉ cần truy cập vào các trang web của ứng dụng cho vay, điền thông tin, số điện thoại, công việc và chụp ảnh kèm chứng minh thư để xác nhận là được duyệt vay tiền. Ngoài ra, nhiều ứng dụng cũng thu các "phụ phí" với giá cao chót vót như: phí tư vấn: 400.000 - 600.000 đồng, phí dịch vụ: 800.000 - 1,36 triệu đồng.

Ví dụ như ứng dụng Doctor Đồng, khi vay khoản tiền 10 triệu đồng trong 30 ngày người vay sẽ phải thanh toán 13,91 triệu đồng. Nếu trong trường hợp đến ngày trả tiền người vay không trả được thì phải thanh toán số tiền tối thiểu để gia hạn khoản vay là 3,9 triệu đồng, tuy nhiên số tiền này sẽ không được trừ vào tiền gốc.

Liên quan đến tín dụng đen, mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Cục tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu tài chính để chi tiêu hoặc thanh toán nợ nần. Từ đó, họ tìm đến vay trực tuyến vì điều kiện được vay hết sức đơn giản, chấp nhận lãi suất cao ngất ngưởng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý và khuyến cáo người tiêu dùng không vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có những dấu hiệu sau: các tổ chức, cá nhân không giới thiệu rõ chức năng của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay; không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch; không gửi trước mẫu hợp đồng vay tiền và các nội dung chi tiết để người vay tìm hiểu trước khi giao dịch.

Ngọc Khánh

Tin mới