Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiệm bánh mì Việt gây sốt ở Hong Kong

(VTC News) -

Tiệm bánh mì được đánh giá có hương vị chuẩn Sài Gòn, mọc lên trên đất Hong Kong nhờ một nữ KOL và đầu bếp người Việt.

Ai cũng muốn trở thành người có ảnh hưởng, nhưng Kiki Phụng lại sẵn sàng gác lại sự nổi tiếng trên mạng xã hội để đưa món bánh mì nổi tiếng của Việt Nam đến Hong Kong (Trung Quốc).

"Tôi không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, nhưng tôi thích ăn và đam mê ẩm thực", Phụng chia sẻ.

Kiki Phụng (phải) và Hạnh Đặng bên ngoài quán Bánh Mì Nếm mới khai trương ở Loan Tể, Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Phụng sinh ra ở TP.HCM, là một KOL (người có sức ảnh hưởng) và YouTuber, chuyên sản xuất video du lịch về Việt Nam và Hong Kong.

Cô chuyển từ TP.HCM sang định cư ở Hong Kong 10 năm trước, ban đầu là một nữ huấn luận viên phòng gym và phiên dịch viên tòa án, thông thạo tiếng Việt, tiếng Quảng Đông và tiếng Anh.

Bốn năm trước, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Phụng đã lập kênh YouTube ghi lại cuộc sống của mình ở Hong Kong, những chuyến du lịch ở Việt Nam và các món ăn khác nhau mà cô thưởng thức trong mỗi chuyến đi.

Phụng đã thu hút được gần 40.000 người theo dõi trên Instagram và 47.000 người đăng ký trên kênh YouTube. Sau khi thử gần như tất cả các quán ăn Việt Nam nổi tiếng ở Hong Kong, cô cảm thấy thiếu một thứ gì đó.

Vì vậy, nữ KOL quyết định mở một cửa hàng bánh mì Việt Nam chính hiệu ở xứ Cảng Thơm. Cuối cùng một cửa hàng takeaway nhỏ nhắn ở quận Loan Tể ra đời - tên là Bánh Mì Nếm.

Kiki Phụng (phải) và Hạnh Đặng tại quầy phục vụ bánh mì tại Bánh Mì Nếm.

"Tôi biết đã có rất nhiều hàng đồ ăn Việt Nam ở Hong Kong nhưng tất cả không giống như món mẹ tôi làm hoặc những thứ tôi ăn ở TP.HCM", Phụng nói. "Hầu hết các món ăn Việt Nam ở đây đều có nguồn gốc từ miền Bắc, như Hà Nội, Hải Phòng nhưng hương vị không thực sự giống lắm".

Phụng hợp tác với Hạnh Đặng, đầu bếp chuyên nghiệp và là người sáng lập chuỗi nhà hàng lẩu Pachi Pachi ở TP.HCM, để ra mắt Bánh Mì Nếm ở Hong Kong. Họ phục vụ năm loại bánh mì với pate, thịt, chà bông, dưa chua giòn và rau thơm.

"Ngay từ lần gặp đầu tiên vào hai năm trước, chúng tôi đã nhận thấy có một sự kết nối mạnh mẽ với nhau", Phụng nhớ lại. "Cả hai chúng tôi đều đến từ TP.HCM. Chúng tôi có cùng khẩu vị".

"Ban đầu, Hạnh muốn mở một nhà hàng chay. Nhưng tôi nói chúng ta nên giới thiệu ẩm thực Việt Nam của mình", Phụng nói. "Đây là đứa con tinh thần của chúng tôi. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi thường xuyên xảy ra tranh cãi vì chúng tôi muốn điều tốt nhất cho cửa hàng, bằng cả trái tim và niềm đam mê".

Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của mình, Phụng và Hạnh tự sản xuất và nhập khẩu các loại thịt nguội, chà bông và pate gan từ Việt Nam. May mắn thay, gia đình của Hạnh vẫn đang hoạt động trong ngành thực phẩm ở Việt Nam, đóng vai trò trung gian để họ tuyển dụng nhân viên và sơ chế các nguyên liệu theo yêu cầu riêng cho Bánh Mì Nếm.

"Phụng và tôi muốn mang đến Hong Kong những món ăn ngon nhất TP.HCM", Hạnh nói. "Hầu hết các nhà hàng Việt Nam ở Hong Kong đều được điều chỉnh quá nhiều theo khẩu vị của người Quảng Đông. Hương vị không đủ đậm đà".

Biển hiệu của Bánh Mì Nếm thậm chí còn được cặp đôi đặt làm ở TP.HCM, vì họ không thể tìm thấy ai ở Hong Kong có thể làm chính xác các chữ cái tiếng Việt.

Bánh Mì Nếm chỉ đáp ứng 100 ổ bánh mỗi ngày để đảm bảo bánh mì luôn tươi ngon. (Ảnh: SCMP)

Đối với bánh mì, họ có công thức riêng sau quá trình thử nghiệm, nêm nếm. Để sản phẩm luôn được tươi ngon nhất, Phụng và Hạnh cam kết tự làm bánh mì mỗi ngày. Vì tự nướng bánh nên hiện tại công suất chỉ mới đáp ứng được 100 ổ bánh mỗi ngày.

"Bánh mì Việt Nam có công thức và nguyên liệu rất khác biệt so với bánh mì Pháp", Phụng nói. "Những nguyên liệu chúng tôi cần không dễ tìm thấy ở đây, vì vậy chúng tôi phải nhập khẩu chúng. Ngoài ra, nhiệt độ cũng khác nhau. TP.HCM nóng hơn nên quá trình lên men diễn ra tốt hơn và bánh mì nở xốp hơn. Trong khi thời tiết Hong Kong tương đối ẩm ướt".

Cô cho biết thêm: "Chúng tôi đã thử sử dụng cùng một phương pháp và nguyên liệu, nhưng kết quả không giống như những gì chúng tôi làm ở TP.HCM. Vì vậy, chúng tôi đã tinh chỉnh công thức một chút để làm cho bánh mì mềm, dai và giòn".

Hạnh giới thiệu một đặc sản khác của họ là cà phê Việt Nam, được pha chế theo phương pháp truyền thống, với hương vị đậm đà, gần như giống như vị đắng trong sôcôla.

"Cô tôi là người làm bánh mì và cũng dạy tôi một số mẹo pha cà phê", Hạnh cho hay. "Hầu hết cà phê Việt Nam ở Hong Kong không đủ mạnh và họ thêm quá nhiều sữa. Nó quá nhạt".

Nhưng điều khiến Phụng và Hạnh không hài lòng nhất là các nhà hàng Việt Nam ở Hong Kong không cho đủ rau thơm vào phở, bún hoặc bánh mì. Phụng cầm trên tay chiếc bánh mì kẹp của Bánh Mì Nếm được nhồi nhét hành lá, rau mùi, dưa chuột và dưa chua.

Bánh mì Việt Nam ở xứ Cảng Thơm. (Ảnh: SCMP)

“Hầu hết các quán ăn không sử dụng đủ rau thơm”, Phụng nói. “Nhưng tôi không nghĩ đó là vì họ không thể tìm thấy nguyên liệu. Ngay cả khi các nhà hàng cho bạc hà và húng quế vào nước dùng, nhiều thực khách khi ăn cũng bỏ ra. Ở Việt Nam, rau thơm là nguyên liệu không thể thiếu của món phở".

Phụng cho biết: "Khi Hạnh và tôi đi ăn đồ Việt, chúng tôi luôn muốn thêm rau thơm. Nếu không có rau thơm tươi thì chúng tôi không thể chấp nhận được. Tôi biết một số loại rau có vị hơi nồng và đắng, hoặc cay, nhưng trong bánh mì kẹp của chúng tôi, các nguyên liệu sẽ được cân bằng".

Hạnh chia sẻ thêm: "Tôi đã gặp những khách hàng kén ăn và nói rằng họ không ăn rau thơm. Nhưng sau đó tôi giấu rau bên trong bánh mì. Sau khi ăn, họ đều cảm thấy hương vị rất ngon và không biết rau thơm vẫn còn bên trong".

Hoa Vũ

Tin mới