GS.TS Lê Thị Hoài An chia sẽ với Báo điện tử VTC News tại sự kiện Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng năm 2024 diễn ra tại Paris, Pháp.
Sau hơn 30 năm “thả mình” vào những con số, thuật toán trong lĩnh vực Toán tối ưu và Khoa học máy tính, GS.TS Lê Thị Hoài An (Đại học Loraine, Pháp) đang ở giai đoạn tròn đầy của sự nghiệp. Với danh hiệu cao quý nhất của một Giáo sư đại học ở Pháp.
Hàng năm, GS Hoài An vẫn bay từ Pháp về Việt Nam để phát triển trung tâm toán học ứng dụng và công nghệ tính toán mang tên CTOPTIMAL. Hiện tại, viện đã nghiên cứu và làm ra nhiều sản phẩm công nghệ tầm cỡ quốc tế.
GS Lê Thị Hoài An cùng Bộ trưởng Bộ Đại học và nghiên cứu Pháp tại hội thảo Viện Hàn lâm Pháp (IUF) 17/10/2022.
Giảng viên toán trẻ tuổi nhất
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về giáo dục, cha là phó giáo sư nghiên cứu lý luận văn học Lê Bá Hán, mẹ là cô giáo Nguyễn Thị Lộc, giảng dạy khối phổ thông chuyên Toán, từ bé GS Hoài An đã được tiếp cận với những con số và nguồn tri thức vô tận.
Do học giỏi cả văn và toán, GS Hoài An hoàn toàn có thể chọn nối nghiệp văn chương của cha hoặc theo hướng khoa học tự nhiên của mẹ để nghiên cứu những con số. Nhưng từ bé đã yêu thích toán học nên chị quyết định viết tiếp giấc mơ của mẹ.
Với sự tự tin và bản lĩnh kiên cường vốn có, việc trở thành giảng viên tập sự ở tuổi 21 không khiến GS Hoài An cảm thấy khó khăn và quá áp lực, vì đây là nghề mà chị yêu thích.
Tuy nhiên, khi tốt nghiệp khoa Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (bây giờ là trường Đại học Sư phạm Hà Nội), có một kỷ niệm khiến nữ giáo sư nhớ mãi - đó là bản thân được “đặc cách” biên chế ở lại giảng dạy tại khoa.
“Đúng thời điểm tôi kết thúc 4 năm đại học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 thừa biên chế. Nhưng với tổng số 36 điểm trên bốn môn thi, là thủ khoa của khoa Toán, tôi quyết định viết tâm thư và trực tiếp đến nhà Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình để đưa lá thư cho Bà.
Trong thư tôi bày tỏ mong ước được ở lại trường giảng dạy và học lên tiếp. Phụ nữ cũng chỉ có một độ tuổi nhất định để phát triển sự nghiệp riêng. Với sự can thiệp của Bộ trưởng, tôi trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất của khoa Toán năm 1980”, GS Hoài An kể lại.
GS Lê Thị Hoài An cùng mẹ (cô giáo Nguyễn Thị Lộc) và các anh chị (PGS Lê Thị Hoài Châu, PGS Lê Quang Hưng và GS Lê Thị Hoài Phương).
Chia sẻ về động lực viết tâm thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS Hoài An cho biết mọi thứ trong cuộc sống đến với chị là mặc định ngẫu nhiên và nhu cầu cần thiết. Chị đặt mục tiêu giảng dạy và nghiên cứu ở đại học, do đó chị tìm mọi cách ở lại trường hoàn thiện học vị thấp nhất là Phó Tiến sĩ (theo cách gọi xưa).
Thuật toán mang tính toàn cầu
Sau hơn 10 năm giảng dạy tại khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS Hoài An được cử sang học thạc sỹ tại Đại học Joseph - Fourrier Grenoble (Pháp) và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành Tối ưu hóa và Vận trù học tại Đại học Rouen với tấm bằng xuất sắc. Hai năm rưỡi sau đó, chị tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học với nhiều công trình giá trị đóng góp cho lĩnh vực này.
Chính những công trình trong luận án tiến sĩ của GS Hoài An đã tạo nên bước đột phá ngoạn mục cho sự phát triển của thuật toán mang tên “DCA” quy hoạch hiệu hai hàm lồi (viết tắt là qui hoạch DC, hay tiếng Anh là DC programming), một lĩnh vực cơ bản và vô cùng hắc búa của Toán tối ưu.
Thuật toán tối ưu hóa DCA do chồng chị - GS.TS Phạm Đình Tảo sáng lập năm 1985 như là sự khái quát hóa cho quy hoạch DC của những công trình trong luận án tiến sĩ khoa học của chính anh năm 1981.
“Khi đưa ra phương pháp này chồng tôi đã cho một số nghiên cứu sinh ứng dụng vào vài bài toán thực tế nhưng không thành công. Phải đợi mấy năm sau, đến khi tôi bắt đầu làm luận án tiến sỹ thì DCA mới được khai thác hiệu quả để giải một lớp các bài toán quy hoạch phi tuyến mà trường phái nghiên cứu của Mỹ quan tâm và đầu tư nhiều công sức. Các nhà nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ và thế giới đánh giá cao thuật toán này, đây là bước đột phá để phát triển DCA cho nhiều lớp bài toán khác", GS Hoài An cho hay.
Theo GS Hoài An, chồng chị cũng chính là người đưa chị vào thế giới của Toán ứng dụng nói chung và thuật toán DCA nói riêng. Nói về nghiên cứu, vợ chồng chị luôn đồng cảm và tâm đắc với hai từ “tìm tòi và mạo hiểm”.
GS Lê Thị Hoài An cùng chồng là GS Phạm Đình Tảo trong một hội nghị quốc tế kỷ niệm 30 năm ra đời quy hoạch DC và DCA.
Với bề dày lịch sử 40 năm, quy hoạch DC và DCA đã trở thành công cụ kinh điển trong giới khoa học ngày nay. Nhiều trường đại học danh tiếng (Berkeley, MIT, Princeton, Stanford, New York) và hãng công nghệ/công nghiệp lớn (Microsoft, Google, Ndivia, Alibaba, Nasa, Fujitsu, NAVAL Group, RTE,…) đã sử dụng công cụ này để giải quyết các bài toán trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học dữ liệu, đặc biệt là học máy, hệ thống truyền tin, vận tải - hậu cần, quản lý sản xuất, năng lượng, môi trường, tài chính, sinh học, cơ khí, an toàn tin học, người máy, y học...
hoai-an-phap.png
Đối với người làm nghiên cứu không gì quý bằng sản phẩm của mình được nhiều người tin dùng một cách rất hiệu quả
GS Lê Thị Hoài An
Giấc mơ xây dựng viện nghiên cứu toán ứng dụng
Không chỉ đam mê nghiên cứu, GS Hoài An còn bị thu hút bởi việc chuyển giao công nghệ từ những thành quả khoa học đã đạt được. Đó là kim chỉ nam cho hoạt động nghiên cứu của chị từ nhiều năm nay.
Ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng toán học vào thực tiễn, vợ chồng chị ấp ủ giấc mơ xây dựng một viện toán ứng dụng ở Việt Nam từ 25 năm trước. Từ đó, vợ chồng GS Hoài An đã tiến hành nhiều hoạt động để cụ thể hóa ý tưởng này.
Anh chị luôn cố gắng mở rộng lĩnh vực toán ứng dụng người Việt bằng cách ưu tiên nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam làm luận án tiến sĩ. Bên cạnh học bổng của chính phủ Việt Nam, GS Hoài An còn dành nhiều suất học bổng của Pháp và dự án nghiên cứu của mình cho nghiên cứu sinh Việt Nam.
Vợ chồng GS Hoài An đã có những đóng góp đầu tiên cho việc xây dựng đại học công nghệ Pháp - Việt (USTH) tại Hà nội từ năm 2009 và là thành viên tích cực của nhóm bảy trường Đại học Pháp đào tạo thạc sĩ toán ứng dụng cho Đại học Quốc gia TP.HCM từ nhiều năm nay.
Cho đến năm 2012, khi đã có một đội ngũ hơn chục tiến sĩ toán ứng dụng do vợ chồng mình đào tạo tại Pháp trở về làm việc tại nhiều trường đại học lớn tại Hà Nội, ý tưởng về trung tâm nghiên cứu toán ứng dụng mới thực sự được tiến hành.
GS Lê Thị Hoài An báo cáo ở hội nghị quốc tế NUMTA 2023 tại Italia.
Theo GS Hoài An, luận án tiến sỹ chỉ là bước khởi đầu của sự nghiệp nghiên cứu, chị và chồng luôn mong muốn tạo ra một “sân chơi khoa học“ cho các nghiên cứu sinh cũ của mình để họ tiếp tục nghiên cứu. Đây là động lực thúc đẩy anh chị thực hiện dự định ngay lúc đó.
Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông đã ủng hộ tích cực dự án này và đã bố trí cơ sở vật chất để trung tâm hoạt động. Rất tiếc dự án vừa mới được thực hiện lại có sự thay đổi cán bộ lãnh đạo Học viện nên sau đó phải dừng lại ở mức độ nội bộ.
Vài năm sau, ban lãnh đạo khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là trường Quốc tế) đã mời anh chị thành lập một Lab nghiên cứu về Khoa học dữ liệu và Tối ưu hóa các hệ thống phức tạp, có khoảng 20 thành viên.
GS Hoài An cho biết thời gian đầu mọi chuyện diễn ra khá thuận lợi, seminar khoa học được tổ chức hàng tuần. Nhưng sau đó nảy sinh vấn đề về cơ chế khiến dự án bị chững lại: “Trung tâm đặt ở một trường nhưng nhiều thành viên lại làm việc tại các trường khác. Điều này không phù hợp với cơ chế hoạt động của các trường đại học ở Việt Nam, nhất là khi một số trường bắt đầu kế hoạch thành lập các nhóm nghiên cứu trong trường”.
Đúng thời điểm đó, một công ty phần mềm có tiếng ở TP.HCM mời vợ chồng chị về xây dựng trung tâm khoa học dữ liệu và tính toán để hợp tác hai bên. Vợ chồng GS Hoài An cùng lúc đầu quân cho một tập đoàn lớn nữa ở Hà Nội đến khi dịch COVID-19 bùng phát.
Nói về kế hoạch tương lai, GS Hoài An tiết lộ, chị vẫn luôn đam mê và làm việc không ngừng nghỉ để xây dựng giải pháp tối ưu được sử dụng rộng rãi cho những ứng dụng thực tế đầy thách thức và tiềm năng trong ngành công nghiệp tương lai.
Được biết, vợ chồng nữ giáo sư đang tiến hành chuyển giao việc phát triển toán ứng dụng cho các nghiên cứu sinh cũ, những người đang đóng vai trò quan trọng, chủ chốt ở các Khoa, trường đại học Việt Nam. Nữ giáo sư hy vọng cơ chế sẽ giúp họ làm tốt hơn mình.
Hiện tại, GS Hoài An vẫn thường xuyên đi về Việt Nam để xây dựng và phát triển dự án của riêng mình, đồng thời tham gia nhiều chương trình hợp tác khoa học, giảng dạy và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với nhiều trường đại học trong nước.