Đài truyền hình KTS VTC phỏng vấn PGS.TS.NGND Nguyễn Thị Trâm trên cánh đồng Hương Cốm.
Thị trường trong nước hiện nay ngày càng đòi hỏi nhiều loại gạo thơm chất lượng cao, nên việc lai tạo giống lúa thơm cho năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, ít nhiễm sâu bệnh để đưa vào cơ cấu trồng trọt ngày càng trở nên cấp thiết.
Nắm bắt xu hướng này, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cùng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và Phát triển Cây trồng – Học viện Nông nghiệp VN đã thu thập, đánh giá tuyển chọn hàng trăm mẫu giống lúa thơm, lúa gạo dẻo, hàm lượng amylose thấp, lúa hạt thon dài, trắng trong, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh...
Trên nền vật liệu phong phú đó, đã thiết lập và triển khai các sơ đồ lai đơn, lai ba, lai kép, lai tích lũy, lai trở lại, gây đột biến và chọn lọc cá thể theo hướng tạo ra các dòng làm bố mẹ lúa lai và lúa thuần chất lượng cao, ngắn ngày, thích ứng với các điều kiện sinh thái khác nhau, hình thành tập đoàn dòng triển vọng có hương thơm gọi chung là HƯƠNG CỐM.
Video: Quảng Ngãi: Nông dân khốn đốn vì lúa chín mà không thể thu hoạch
Đến nay Phòng nghiên cứu của bà đã cho ra đời 4 giống lúa thuần Hương Cốm, có thời gian từ ngắn đến trung ngày, gạo có mùi thơm dứa, thơm bỏng ngô...năng suất khá, chống chịu sâu bệnh khá. Tháng 12 năm 2016, hai giống Hương cốm 1, và Hương cốm 4 đã được thương mại hóa cho Công ty TNHH Cường Tân để mở vùng sản xuất lúa thơm hữu cơ, xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản sạch chất lượng cao cung cấp ra thị trường.
Ông Đoàn Văn Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân đang khảo sát tình hình giống lúa tại đồng ruộng.
Các giống lúa thơm Hương cốm tổng hợp được nhiều nguồn gen thơm nhập từ nước ngoài, từ các giống đặc sản bản địa, chọn lọc tinh vi, đánh giá lặp lại nhiều vụ nên năng suất cao hơn các giống lúa thơm hiện đang gieo trồng, hạt gạo thơm, thon dài, trong và bóng, cơm dẻo, thơm ngon, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.
Ngoài ra các giống này còn được lai để tạo dòng bất dục đực, dòng cho phấn làm bố mẹ các giống lúa lai thơm năng suất chất lượng cao (TH7-2, TH3-7, TH4-6, TH6-6) đang được nông dân nhiều vùng phát triển sản xuất.
Đánh giá được hiệu quả kinh tế cũng như nhu cầu cao trên thị trường, các giống lúa mà PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và nhóm nghiên cứu đang lai tạo nhận được sự quan tâm của rất nhiều bà con nông dân nên nhiều doanh nghiệp mong muốn được hợp tác, nhận bản quyền để thương mại hóa các sản phẩm này trên thị trường.