Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng: 'Tuần tới phải có kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch'

(VTC News) -

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Nhận định dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan và phải có biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi kinh tế sau dịch.

“Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sớm xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch, báo cáo ngay Chính phủ trong tuần tới”, Thủ tướng nói và đề nghị cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến 10/4. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, giãn khoảng cách xã hội nhưng không ngăn sông, cấm chợ, không cấm đi lại.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc chậm chạp, vô trách nhiệm trong đầu tư an sinh, trật tự xã hội.

Thủ tướng cho biết ngay sau hội nghị, Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới để thể hiện ý chí quyết tâm chống dịch và vượt qua khó khăn.

Vẫn theo Thủ tướng, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta đạt 3,82% trong quý I/2020 - cao nhất khu vực - nhưng là mức thấp nhất 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra.

Cùng đó, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, khiến gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chúng ta đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể như gói hỗ trợ về tiền tệ được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa khoảng 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ, gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng)...

Chúng ta cũng có “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay. Thủ tướng cho rằng cần kiểm điểm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không giải ngân, và cần chuyển vốn cho nơi khác.

Riêng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nghị quyết nên các địa phương cần thực hiện ngay để gói hỗ trợ đến tận người dân khó khăn một cách sớm nhất.

Kiến nghị giảm nhiều loại thuế, phí

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nhiều biện pháp cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay; trong đó có việc giảm nhiều loại thuế, phí.

Cụ thể, Chính phủ sớm báo cáo Thường vụ Quốc hội trong tháng 4 việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON92 cho phù hợp với thực tế.

Bộ cũng kiến nghị việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội địa.

Đồng thời kiến nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân; tạm thời giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020; xem xét việc hoàn thuế VAT trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi dịch COVID-19 như hàng không, du lịch.

Ngoài ra, trong báo cáo, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc khẩn cấp đầu tư các dự án ở miền Tây. Những dự án khẩn cấp phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn đối với khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… cần được đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020.

“Cần thực hiện theo hình thức dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và công trình xây dựng có tính cấp bách theo quy định”, ông Dũng nêu đề xuất.

Hoà Bình

Tin mới