Tại buổi họp giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 giữa Chính phủ với các bộ, ngành và lãnh đạo thành phố Hà Nội, TP.HCM chiều 9/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra thời cơ của ngành công thương từ việc xuất khẩu khẩu trang y tế ra nước ngoài trong giai đoạn dịch COVID-19.
Cụ thể, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, sau khi Bộ Y tế chính thức ban hành việc sử dụng vải không dệt ba lớp để làm màng lọc kháng khuẩn trong khẩu trang y tế, vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang từ Trung Quốc đã được giải quyết. Hiện, hàng ngày các doanh nghiệp có thể cung cấp sản lượng 5 tấn vải kháng khuẩn, đủ để sản xuất 5 triệu khẩu trang y tế/ngày.
Đủ năng lực xuất khẩu khẩu trang y tế
Hiện, Tập đoàn Dệt may đã tổ chức cho Công ty May 10 tám dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế với công suất lên đến 900.000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế trong 1 tháng. Dự kiến, ngày 20/4, sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép dây chuyền này sẽ bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên.
Thứ trưởng An cũng cho biết May 10 đang làm việc với các đối tác châu Âu và đã được đặt hàng 400 triệu khẩu trang y tế trong 10 tháng. Dự kiến những ngày tới, hai bên sẽ ký kết hợp đồng đầu tiên để cung cấp khoảng 1/10 số lượng kể trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Việt Hùng)
"Đề nghị Ban chỉ đạo khi nào đủ khẩu trang cho đơn hàng trong nước, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu. Đây là cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và doanh nghiệp thuộc tập đoàn dệt may", Thứ trưởng An đề xuất.
Về khẩu trang vải kháng khuẩn, Bộ Công Thương cho biết đang hỗ trợ các doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu chính ngạch sang các nước khác. Với quần áo bảo hộ y tế, Thứ trưởng An thông tin sau khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn thì Tập đoàn dệt may đã sẵn sàng sản xuất quần áo bảo hộ cấp độ 1 và 2. Công suất dự kiến khoảng 50.000 bộ/ngày.
Sau khi nghe báo cáo này, Thủ tướng nhận định đây là thời cơ của ngành công thương.
"Sắp tới, Bộ Công Thương phải cùng Bộ Y tế sớm xác định số lượng cung ứng khẩu trang cần thiết để hướng tới xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và mạnh mẽ hơn là tất cả các nước", Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Cần bung ra để doanh nghiệp xuất khẩu
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng cần tính toán kỹ số lượng khẩu trang Việt Nam cần cũng như năng lực sản xuất của doanh nghiệp để có phương án xuất khẩu phù hợp, tận dụng kịp thời cơ hội.
Ông thống kê tháng 2, Việt Nam đã xuất khẩu 219,1 triệu khẩu trang; tháng 3 xuất khẩu 62,7 triệu khẩu trang; và từ 1-8/4 xuất khẩu 0,2 triệu khẩu trang. Ông cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo mua 60 triệu khẩu trang y tế từ trước để phòng, chống dịch và cần phải tính toán đúng nhu cầu khẩu trang trong nước, không làm mất cơ hội của doanh nghiệp.
"Nếu vẫn giữ theo nghị quyết là 25% xuất khẩu, 75% bán trong nước thì 75% này ai mua?", ông Dũng đặt câu hỏi và nhấn mạnh thêm: "Phải tính đủ lực xem còn dùng bao nhiêu, còn lại bung ra cho người ta xuất khẩu".
Bộ trưởng cũng đề nghị cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc này để doanh nghiệp kịp thời xuất khẩu, không để đến lúc hết dịch sẽ mất thời cơ.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Ảnh: VGP)
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định Việt Nam đã rất thành công trong việc tập thói quen cho người dân sử dụng khẩu trang vải và để khẩu trang y tế cho đội ngũ y tế.
Ông cho biết, theo quy định, Ban chỉ đạo đã thống nhất mức vật tư y tế cho trường hợp 10.000 người nhiễm và đang trình phương án cho tình huống 20.000 - 30.000 ca nhiễm. Dựa trên kế hoạch này, Thủ tướng có thể quyết định số lượng khẩu trang y tế cần thiết trong nước, còn lại các doanh nghiệp có thể xuất khẩu.
"Khẩu trang y tế đã ký hợp đồng 60 triệu chiếc rồi, còn (doanh nghiệp) cứ ký hợp đồng mới, không vướng gì. Tôi đồng ý đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất cái này", Phó thủ tướng nêu quan điểm.