Trong thời điểm cộng đồng quốc tế khép lại năm 2020 đầy thử thách và khó khăn do đại dịch COVID-19, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Hôm nay, ngày 27/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thông điệp nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh đầu tiên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng và sự cần thiết, cấp bách của việc phòng ngừa, hợp tác, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Việc sáng kiến của Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết, cho thấy sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và đáp ứng đúng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về phòng chống đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác hiện nay và trong tương lai.
"Đây là một dấu son thành công của chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam", Thủ tướng cho biết.
Trên tinh thần kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27/12 đầu tiên, Việt Nam kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cá nhân nhiệt liệt hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, trong đó đặc biệt quan tâm những nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực của các thể chế đa phương trong quản trị toàn cầu, với Liên hợp quốc giữ vai trò trung tâm, nhằm đẩy lùi COVID-19, phòng chống hiệu quả các dịch bệnh.
Thứ hai, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho mọi chính sách và hành động, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Trước mắt cần bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vaccine và thuốc điều trị COVID-19 với giá cả hợp lý.
Thứ ba, chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hòa các giải pháp bảo đảm phòng chống dịch đi đôi với phục hồi kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ phát huy ý chí và sức mạnh của người dân mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua thách thức và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân. Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp vào hành trình cao cả đó".
Cũng nhân Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: "Khi COVID-19 hiện đã giết chết hơn 1,7 triệu người, các nền kinh tế bị tàn phá, các xã hội bị đảo lộn và các lỗ hổng của thế giới bị phơi bày theo những cách rõ ràng nhất, giá trị của việc chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp về y tế đã trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.
Khi chúng ta cố gắng kiểm soát và phục hồi sau đại dịch hiện tại, chúng ta phải nghĩ đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thật không may, có thể dễ dàng tưởng tượng ra một loại virus không chỉ dễ lây nhiễm như lần này mà còn dễ gây chết người hơn".
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự hợp tác và khoa học là một số trong những điều cần thúc đẩy để thế giới trở nên an toàn hơn. "Không ai an toàn trừ khi tất cả chúng ta đều an toàn", ông nói.
“Một năm trước chúng ta vẫn chưa biết gì về COVID-19, vậy mà trong 12 tháng qua, thế giới của chúng ta đã đảo lộn và tác động của đại dịch đã vượt qua khỏi một căn bệnh, mang đến nhiều hậu quả cho kinh tế và xã hội”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu nhân Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuẩn bị và hợp tác giữa không chỉ khu vực y tế mà còn của các khu vực khác trong xã hội và các chính phủ để đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.