Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tình hình cung ứng xăng dầu cơ bản ổn định

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đến nay, tình hình cung ứng xăng dầu về cơ bản đảm bảo ổn định.

Chỉ đạo sát sao trong công tác quản lý thị trường

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, tại Nhà Quốc hội, chiều 15/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022).

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được gần 150 kiến nghị của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ chuyển đến. Về cơ bản, Bộ Công Thương đã trả lời đầy đủ.

Về các nội dung tập trung liên quan đến Bộ Công Thương mà các cử tri quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, chủ yếu liên quan đến vấn đề quản lý xăng dầu, về các sản phẩm hàng hóa thiết yếu và liên quan đến phát triển năng lượng, điện, trong đó có vấn đề điện năng xuất phát từ năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương đồng tình với Báo cáo của Ban Dân nguyện. “Báo cáo dân nguyện đã tổng hợp rất đầy đủ ý kiến của cử tri, trong đó tập trung vào 3 mảng lớn liên quan đến ngành Công Thương”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu.

Thứ nhất, về vấn đề xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, trong thời gian vừa qua cũng có một chút trục trặc, có nhiều các lý do, nguyên nhân và đã được phân tích, mổ xẻ kỹ.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của Quốc hội cũng như dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt và sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Công Thương đã cố gắng làm sao để điều tiết đảm bảo được lượng cung xăng dầu trên thị trường. Đến nay, tình hình về cung ứng xăng dầu về cơ bản đảm bảo ổn định.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề năng lượng tái tạo và sản xuất điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Công Thương bổ sung thêm 2 ý: Việc thực hiện ưu đãi, được ưu đãi đến thời hạn 31/10/2021, đó là những ưu đãi để khuyến khích, động viên để phát triển năng lượng tái tạo. Sau thời gian đó, nếu không đáp ứng đủ điều kiện, về nguyên lý chúng ta sẽ phải thực hiện theo cách tính toán thông thường.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở cân nhắc về lợi ích, đầu tiên tính đến tổn thất của doanh nghiệp; hai là, lợi ích của nhà nước; ba là, lợi ích của người dân là quy đổi giá thành liên quan đến vấn đề giá điện. Khi cân đối lại, Bộ Công Thương mới tính đến một phương án là có một khung giá riêng đối với điện này, liên quan đến điện mặt trời cũng như điện gió.

Ngày 5/10, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15 để ban hành phương pháp xác định khung giá liên quan đến nội dung về năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề quản lý thị trường, hiện nay Bộ Công Thương đã có chỉ đạo rất sát sao trong công tác về quản lý thị trường, đặc biệt là chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới. Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến của Ban Dân nguyện để về triển khai.

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam tăng trưởng tốt

Cũng tại phiên họp, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong những năm vừa qua, nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo ở Việt Nam tăng trưởng rất tốt. Hiện nay, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam khoảng 78.000 MW, đứng đầu ở các nước ASEAN về công suất lắp đặt.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu

Trong 78.000 MW này, chúng ta đã có hơn 20.000 MW điện gió và điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 11-12% so với tổng điện đang được phát lên vào hệ thống điện của chúng ta.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo điện thương phẩm năm 2022, khoảng 242 tỷ KWh, tăng trưởng khoảng 7,7% so với năm 2021.

Các vấn đề này liên quan đến năng lượng tái tạo, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về phát triển năng lượng tái tạo đã kết thúc, cụ thể chính sách về điện mặt trời kết thúc vào ngày 31/12/2020 và điện gió đã kết thúc vào ngày 31/10/2021.

Theo các quyết định của Thủ tướng, hiện nay các hệ thống được đấu nối vào lưới điện quốc gia đã được vận hành một cách an toàn, ổn định và Tập đoàn cũng đang phối hợp với các chủ đầu tư để tiếp tục rà soát các thủ tục liên quan đến quá trình vận hành của các nhà máy điện này.

Nguồn:

Tin mới