Giá dầu trên thị trường thế giới phiên cuối tuần tăng vọt khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ghi nhận trên Oilprice, giá dầu WTI tăng 2,49 USD/thùng lên mức 88,96 USD/thùng; dầu Brent tăng 2,32 USD/thùng, lên mức 95,99 USD/thùng.
Dữ liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng RON95 nhập từ Singapore ở mức 95,48 USD/thùng, xăng RON92 mức 92,14 USD/thùng, dầu diesel mức 129 USD/thùng.
Trong nước, sau kỳ điều hành giá ngày 11/11, xăng E5RON92 có giá 22.711 đồng/lít, xăng RON95 có giá 23.867 đồng/lít. Dầu hỏa có giá 24.747 đồng/lít, dầu diesel có giá 24.983 đồng/lít và dầu madut là 14.760 đồng/kg.
Theo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng, giảm phụ thuộc vào biến động giá dầu thế giới. Do đó, nếu dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng, thì tại kỳ điều hành tới đây, giá bán lẻ trong nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo. Mức tăng cụ thể phụ thuộc vào diễn biến giá từ nay đến trước ngày điều chỉnh và việc sử dụng quỹ bình ổn giá.
Giá dầu thế giới tăng mạnh có thể khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo. (Ảnh: Oil).
Liên quan điều hành xăng dầu, ngày 11/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng chủ trì. Sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có công điện yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.
Ngày 12/11, Bộ Công Thương có công điện về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký biên bản cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nêu rõ, trước những biến động của tình hình kinh tế chính trị thế giới gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong thời gian qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có những chính sách điều hành giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đối với các loại hình thương nhân.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn cả nước vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường và cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
Tiến hành ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn, hoàn thành xong trước ngày 16/11.
Tập trung giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Bộ Công Thương yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Doanh nghiệp đầu mối phải báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng trước 10 giờ ngày 15/11.
Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định… không bao gồm VAT. Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo là từ 21/10 đến 14/11.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp cung cấp tài liệu, đôn đốc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo kịp thời, chính xác.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán sau này (nếu có) về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của đơn vị.