Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính phủ đề xuất giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu

(VTC News) -

Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được đánh giá là đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá.

Chiều 2/11, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Liên quan đến chính sách bình ổn giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết khác với các quỹ tài chính khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung.

Theo ông Phớc, có một số ý kiến đánh giá Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã không còn phù hợp khi việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

"Về dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, các chuyên gia cũng có nêu các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới", Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho rằng suốt thời gian qua, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng).

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu giúp linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo ông Phớc, trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.

Thẩm tra về nội dung này, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc bỏ quỹ là chưa phù hợp.

"Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì tại một số thời điểm, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò "điều hòa", giảm biên độ biến động giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát", ông Nguyễn Phú Cường cho biết.

Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, đa số ý kiến cũng đề nghị cần phải đổi mới theo hướng việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường. Ngoài ra việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi sự linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa.

Cùng với đó trong tổ chức thực hiện cần tăng cường trách nhiệm quản lý; đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội chiều 2/11, đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, việc giữ lại quỹ bình ổn giá xăng dầu là rất cần thiết, bởi thời gian hơn 2 năm qua, nhất là thời gian gần đây chúng ta rất thành công trong việc kiểm soát lạm phát, trong đó chúng ta có công cụ kiểm soát giá, bình ổn giá và được thể hiện rõ trong thực tiễn và thế giới công nhận.

“Giá xăng dầu của chúng ta có được sự bình ổn, không biến động với biên độ quá lớn theo thị trường xăng dầu thế giới, dù có thời điểm giá dầu thô trên thế giới lên đến hơn 150 USD/thùng, có thời điểm lại giảm sâu, thậm chí xuống mức âm. Nếu như cứ để giá xăng dầu trong nước biến động theo giá thế giới thì giá cả hàng hoá trong nước cũng biến động theo giá xăng dầu, các nhà sản xuất buộc phải tăng giá hàng hoá và như vậy không thể ổn định được giá cả hàng hóa như trong thời gian vừa qua".

Theo ông Lâm, một trong những lý do chúng ta kiểm soát được giá cả xăng dầu, tuy có lên, có xuống theo thị trường thế giới nhưng không bị biến động với biên độ quá lớn, không tạo ra sự đứt gãy, đổ vỡ của chuỗi xăng dầu nói riêng và hàng hoá nói chung là do công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng. Tức là nó đã phát huy tác động trong biên độ dao động hẹp để tạo sự ổn định của giá cả thị trường. Còn nếu biên độ giao động lớn hơn, vượt tầm của quỹ này thì chúng ta đã có những công cụ lớn hơn là thuế, phí để gióp phần ổn định giá xăng dầu.

"Thiếu nó thì chúng ta không đạt được kết quả bình ổn giá như vừa rồi, mà một mình nó thì cũng không đạt được kết quả như vừa rồi. Như vậy có thể thấy rằng quỹ bình ổn giá đã phát huy vai trò rất quan trong. Do vậy, không có lý do gì mà chúng ta bỏ nó đi”, ông Lâm nói.

PHẠM DUY

Tin mới