Video: Vào mùa thu hoạch cam ở huyện miền núi Hà Tĩnh
Huyện Vũ Quang là thủ phủ của cây cam chanh ở tỉnh Hà Tĩnh, toàn huyện hiện có gần 2.300 ha cam, trong đó gần 1.700 ha đang cho thu hoạch. Cam chanh được trồng nhiều ở các xã Hương Minh, Quang Thọ, Đức Lĩnh, Thọ Điền…đây cũng chính là loại cây xóa đói giảm nghèo, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương này.
Cuối tháng 11 cũng là thời điểm cam chanh Vũ Quang vào mùa, hàng trăm hộ dân nơi đây rộn ràng thu hoạch, dù bán với giá cao hơn năm ngoái nhưng vẫn không cung cấp đủ cam sản phẩm.
Năm nay, gia đình anh Phan Anh Toản (xã Hương Minh) có 1.000 gốc cam với diện tích 2,3 ha đất đồi, nếu thời tiết thuận lợi, vựa cam có thể cho thu về 20 tấn quả. Giá hiện tại ở vườn dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg, ước tính năm nay gia đình anh Toản thu về 600 triệu đồng.
“Mọi năm chúng tôi chủ yếu bán cho thương lái trực tiếp thu mua tại vườn nhưng nay thông qua mạng xã hội đã kết nối được nhiều khách ở các tỉnh, bao gồm cả Hà Nội và TP.HCM. Cam năm nay không nhiều vì ảnh hưởng của mưa lũ, thế nên giá cam nhỉnh hơn mọi năm”, anh Toản nói.
Cũng theo người dân địa phương, loại cam chanh trồng ở đây là giống cam Xã Đoài (nguồn gốc từ vùng Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Khi đưa lên vùng núi cao Vũ Quang, chất quả thơm ngon, vị ngọt đậm, trồng được ở nhiều loại đất. Cam chín có màu xanh vàng, bề mặt vỏ tròn nhẵn, thịt quả màu trắng vàng, mọng nước.
Bắt nhịp với xu hướng thời đại công nghệ, nhiều chủ vườn đã chủ động quảng cáo sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm kinh doanh để nâng cao hiệu quả bán hàng.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạn chế hư hại, sâu bọ, người dân dùng bao bọc quả, trùm lưới lên cây cam.
Cây cam được trồng theo hàng, mỗi gốc cách nhau từ 3-5m.
Sau khi thu hoạch cam tại vườn, thương lái đóng gói và chở đi cung cấp cho các chợ hay gửi đi các tỉnh lân cận.
Cam chín vàng rộm khắp các mảnh đồi ở huyện Vũ Quang.
Ngành chức năng đánh giá, chất lượng cam năm nay được đảm bảo, mẫu mã quả đẹp vì người trồng luôn chú trọng kỹ thuật chăm sóc, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGap; đặc biệt, có một số diện tích đã được chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang, năm nay, diện tích cam cho thu hoạch giảm hơn 500 ha do bà con trồng mới các diện tích bị thoái hoá, sâu bệnh không đảm bảo chất lượng quả. Ước tính đến cuối vụ, bà con thu về được trên 20 nghìn tấn quả, thấp hơn năm 2022 khoảng 5 nghìn tấn.