Tối 12/6, bà Nguyễn Hồng Nga, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau khi trao đổi với tác giả và tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn phía Nhà xuất bản ra quyết định thu hồi sách "Từ điển chính tả tiếng Việt". Trước đó, hôm 10/6, đơn vị thông báo đình chỉ phát hành sách.
Về quá trình biên tập sách, bà Nga chia sẻ, từ đầu năm 2018, nhà xuất bản đã tổ chức biên tập bản thảo ban đầu của cuốn sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” do PGS.TS Hà Quang Năng làm chủ biên.
Quá trình biên tập bản thảo diễn ra theo đúng nguyên tắc, quy trình thẩm định nghiêm ngặt và có đối chiếu với các cuốn sách từ điển ra đời trước đó.
Ngay sau khi nhận được phản ánh về một số lỗi chính tả trong cuốn từ điển chính tả này, nhà xuất bản lập tức cho rà soát lại. Tuy nhiên, tác giả Hà Quang Năng khẳng định việc đưa những từ đó vào từ điển là tính toán có chủ ý, nhằm cho thấy việc chuẩn hóa chính tả hiện nay còn nhiều vấn đề nan giải.
"Đây là quan điểm khoa học, mục đích của các tác giả khi biên soạn cuốn sách này. Vì vậy, nhà xuất bản tôn trọng quan điểm và giữ nguyên ý đồ. Đồng thời, để phân định được vấn đề về chính tả này đúng hay sai, cần có kết luận chính thức từ các hội đồng chuyên môn uy tín. Nhà xuất bản không thể đưa ra ý kiến cá nhân một chiều, cần có sự tư vấn kỹ lưỡng", bà Nga nói.
Sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" do PGS Hà Quang Năng chủ biên và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương. (Ảnh: NXBCC)
Ngày 9/6, PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" đã lên tiếng: “Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay. Trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi cũng tuyên bố rõ trong lời giới thiệu”.
Vị tác giả cho rằng, chính tả tiếng Việt rất phức tạp nên nhiều độc giả chưa chắc rõ thể lệ biên soạn. Một số hiện tượng chính tả có nhiều biến thể khác nhau mà không thể coi biến thể này là chuẩn hay biến thể kia là chuẩn.
Mục đích cuốn từ điển này không phải là giải nghĩa từ này là gì mà tôi làm chính tả và đưa ra bức tranh toàn cảnh về các từ ngữ tiếng Việt xuất hiện hiện nay.
“Tôi tiếp thu các ý kiến góp ý chứ không phải khăng khăng mọi thứ mình đều đúng. Cái gì mình đúng thì nói đúng, cái gì sai thì tôi nhận sai. Sau này nếu có tái bản, chúng tôi sẽ bổ sung sửa chữa”, PGS.TS Hà Quang Năng cho hay.