Nguyễn Nam Thắng bắt đầu dấn thân vào hành trình của một người làm bóng đá thật sự khi CLB Luxury Hạ Long đăng ký tham dự giải hạng Ba quốc gia 2019. Mong mỏi lớn nhất của anh chính là kiếm được thêm nhiều tiền, kêu gọi được nhiều bạn đồng hành để trở thành một ông bầu thực sự.
Làm bóng đá từ khán đài
Trong giới bóng đá phía Bắc, cái tên Nguyễn Nam Thắng không quá xa lạ. Anh chàng "nhà có điều kiện" ở Quảng Ninh kế tục nghiệp kinh doanh của gia đình với mục đích lớn nhất là có tiền nuôi đam mê bóng đá.
Nguyễn Nam Thắng.
Anh chàng thiếu gia Hạ Long này thể hiện tình yêu với môn thể thao vua mới đầu bằng sự gắn bó với CLB Than Quảng Ninh. Hai mươi tuổi, Nam Thắng là chủ tịch hội cổ động viên của đội bóng đất mỏ khi CLB này còn đang ở giải Hạng Nhất.
Nhưng chỉ đến sân, hò hét, giao lưu thôi là chưa đủ để niềm đam mê. Anh muốn được đóng góp, được thực hiện hoài bão. Thứ đầu tiên anh làm là mang sự chuyên nghiệp đến với những khán đài V-League.
Nam Thắng mày mò, tìm hiểu từ cách cổ vũ, dụng cụ cổ vũ đến các vật phẩm, quà tặng dành cho CĐV của các đội bóng trên khắp thế giới. Anh đem sản phẩm mẫu đi khắp nước, thậm chí ra cả nước ngoài đặt hàng gia công về đem tặng, hoặc phân phối cho các Hội CĐV. Thiếu gia đất mỏ này có thể được coi là người khởi đầu cho làn sóng sản xuất kinh doanh vật phẩm cho CĐV bóng đá tại Việt Nam.
"Nhiều người nói tôi điên khi lao đầu vào bóng đá dù có thể lựa chọn một cách tiếp cận khác. Ví như là một nhà quan sát, một người rong chơi chứ không phải là người trong cuộc", anh chia sẻ.
"Có lúc tôi chịu điều tiếng bởi cái sở thích và giấc mơ chẳng giống ai của mình. Nhưng bóng đá là cái nghiệp rồi. Nếu muốn an nhàn, hưởng thụ thì tôi sẽ chọn con đường làm ông chủ. Mọi thứ đã sẵn sàng và đó cũng là điều gia đình mong mỏi.
Tôi quan niệm rằng, kinh doanh là công việc tạo ra của cải cho cuộc sống. Nhưng, cuộc sống có tiền thôi thì chưa đủ. Bạn muốn có hạnh phúc. Mà muốn có hạnh phúc phải có đam mê và tình yêu. Bóng đá là tình yêu, là đích đến của tôi”.
Giấc mơ từ những chiếc áo đấu
Nam Thắng là người mở rộng thương hiệu Joma, nhà tài trợ trang phục của CLB Than Quảng Ninh ra toàn quốc. Giờ đây, những chiếc áo đấu V-League xuất hiện thêm Kelme, một nhãn hiệu của nước ngoài do anh phân phối ở Việt Nam.
Kelme là nhà tài trợ áo đấu cho Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Anh thuyết phục thương hiệu Tây Ban Nha vào thị trường Việt Nam, nơi được đánh giá cao về tiềm năng đối với trang phục thể thao nhưng các hãng luôn gặp khó khăn trong việc bán hàng chính hãng. Hai bản hợp đồng tài trợ trang phục cho CLB Nam Định và Hà Tĩnh được ký kết, sắp tới là đội bóng đá nữ Sơn La.
Công ty mẹ chỉ có thể hỗ trợ Thắng mua với giá ưu đãi. Để đưa một thương hiệu thể thao quốc tế đến Việt Nam, thiếu gia đất mỏ phải bỏ ra số tiền không dưới 1,2 tỷ đồng.
CLB Nam Định mặc những chiếc áo đấu có logo Kelme.
"Mục tiêu của tôi là tiêu bớt tiền qua từng năm. Tôi chưa từng hòa vốn trong các thương vụ của mình. Tôi đã lỗ và sẽ còn tiếp tục lỗ bởi cần thời gian để bóng đá Việt Nam mới thực sự chuyên nghiệp. Có người bảo tôi dại khi cứ phung phí tiền bạc cho những cuộc chơi mà bản thân chắc chắn chưa thể thắng", Nam Thắng cho biết.
"Nếu cần phải trả học phí cho việc định hình một thói quen mới của giới mộ điệu thì tôi sẵn sàng. Rồi một ngày các CLB sẽ quan tâm hơn đến việc khai thác giá trị gia tăng của bóng đá. Tôi sẵn sàng chờ đến ngày đó và tiếp tục hành trình kiếm tiền ngoài đời để tiêu cho bóng đá”.