Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thí điểm dạy tiếng Hàn: Phụ huynh TP.HCM đồng tình, giáo viên lo nguồn nhân lực

(VTC News) -

Dư luận xôn xao trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào nhóm Ngoại ngữ 1 để giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/2/2021. Trong quyết định này, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được xác định là Ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông và học sinh có thể chọn một ngoại ngữ phù hợp.

Phụ huynh thích thú

Chị Thu Thảo, ngụ Quận 1, TP.HCM có con đang học lớp 4 rất đồng tình với chương trình của Bộ GD&ĐT, bởi có thêm ngoại ngữ để lựa chọn như tiếng Hàn cũng tốt, các con sẽ biết thêm ngoại ngữ, hiểu thêm về đất nước bạn.

“Tôi khá thích thú và tôi nghĩ giới trẻ cũng thích, học được thêm và tìm hiểu thêm một đất nước, một nền văn hóa mới cũng hay", chị Thảo nói.

Ảnh minh họa. 

Chị Minh Tâm (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, văn hóa Hàn ngày càng du nhập vào Việt Nam, chuyên gia và nhiều người Hàn Quốc cũng đến nước ta rất nhiều, nên việc dạy tiếng Hàn cho học sinh cũng là nên làm. Chị chỉ băn khoăn về sách học tiếng Hàn, giáo viên dạy tiếng Hàn.

Hiện phim Hàn, tụi nhỏ xem khá nhiều, hay thời trang Hàn, giới trẻ học theo cũng nhiều. Nhưng để học được thì sách dạy và học sẽ  thế nào, trình độ giáo viên cũng phải đảm bảo chứ không trôi nổi được”, chị Minh Tâm nói.

Trong khi đó, chị Kim Lan (Quận 1, TP.HCM) có con đang học lớp 10 cho rằng, học sinh nếu muốn có thể lựa chọn tiếng Hàn hay tiếng Đức là môn ngoại ngữ chính miễn sao phù hợp với khả năng và sở thích của các em. 

“Nếu con thích, con lựa chọn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh thì cũng tốt chứ sao. Đang trong quá trình hội nhập mà, thay vì chỉ một hai ngoại ngữ, chúng ta giờ lại có thêm lựa chọn khác", chị Kim Lan chia sẻ.

Lo lắng nguồn nhân lực

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM), việc đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào chương trình học phổ thông rất hay, nếu thêm tiếng Nhật thì càng tốt. Đưa thêm ngoại ngữ nào nếu học sinh thích và lựa chọn thì điều đó rất là tốt cho các em.  

Tuy nhiên, để lộ trình dạy và học, công tác nhân sự hay công tác tổ chức không bị tắc nghẽn, thì các trường sư phạm phải có chương trình đào tạo giáo viên tiếng Hàn, tiếng Đức để thực hiện chương trình này cho tương lai.

"Nếu thí điểm ngay thì giáo viên dạy từ đâu, phải có đội ngũ sẵn sàng. Hay là khi bắt đầu khởi động thí điểm, chúng ta phải ra trung tâm ngoại ngữ thuê giáo viên hợp đồng, mà nếu thuê giáo viên ở các trung tâm thì sai với Nghị định 161", ông Phú nói. Nghị định này quy định giáo viên đứng lớp ở nhà trường phổ thông phải là biên chế tại trường đó hoặc biên chế tại trường khác chứ không được giáo viên hợp đồng hay ở ngoài chưa qua tuyển dụng.

“Giáo viên tiếng Hàn và tiếng Đức không phải phổ biến ở Việt Nam, chúng ta phải nghĩ đến bài toán nhân sự khi thí điểm dạy hai thứ tiếng này. Mà nếu không thuê giáo viên dạy tiếng Hàn, Đức ở các trung tâm thì giáo viên ở đâu đủ để dạy nếu số lượng học sinh chọn tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 nhiều? Rõ ràng đây là chủ trương tốt nhưng nếu ví dụ 1 trường có 10 lớp học sinh đăng ký học tiếng Hàn thì lực lượng giáo viên ở đâu để đáp ứng”, ông Phú đặt câu hỏi về nguồn nhân lực.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du. (Ảnh: THPT Nguyễn Du)

Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du cũng cho rằng, chủ trương của Bộ GD&ĐT rất tốt nhưng nên dạy cuốn chiếu từ từ, triển khai năm nay lớp 3, năm sau bắt đầu lớp 4, để học sinh có chọn tiếng Hàn hay tiếng Đức sẽ có môi trường đi lên.

“Nếu không tính toán cặn kẽ thì công tác nhân sự của nhà trường rất khó, chắc chắn không có hoặc không đủ giáo viên tiếng Hàn hay Đức. Ví dụ áp dụng từ lớp 3 đến 12 ngay năm học này, các em học lớp 11 năm nay chọn tiếng Hàn là ngoại ngữ bắt buộc thì có đủ kiến thức để thi tốt nghiệp THPT không? Tôi nghĩ phải cuốn chiếu từ bây giờ, để 10 năm sau, học sinh lớp 3 lên lớp 12 thì mới có lực lượng đủ chuẩn chắc để dạy.

“Hoặc ví dụ, chỉ có vài em đăng ký học tiếng Hàn thì phải làm sao, một là tiếng Anh như cũ, hai là chuyển các em đấy qua lớp khác học tiếng Hàn, hoặc trường khác, khâu chuyển này cũng là vấn đề bất cập. Trường không có đầu vào tiếng Hàn,  điểm thấp mà chuyển các em sang trường khác điểm đầu vào cao để học tiếng Hàn liệu có hợp lý, đó là bài toán phải giải quyết”, ông Phú nói thêm. 

MAI THY

Tin mới