Bộ GD&ĐT vừa ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm và được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12.
Phụ huynh lo lắng
Chị Nguyễn Thị Thương (Đống Đa, Hà Nội) lo lắng trước thông tin môn tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Bao nhiêu năm qua, tiếng Anh dần trở thành ngoại ngữ phổ biến và thiết yếu cho học sinh từ lớp nhỏ đến lớn. "Giờ thêm hai thứ tiếng này vào chương trình thì liệu việc học có nặng hơn không, môn tiếng Anh sẽ giải quyết thế nào, không lẽ học sinh phải học cả 3 môn ngoại ngữ cùng lúc? Tại sao không đưa môn tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật... hay các ngoại ngữ khác là môn học bắt buộc mà lại là tiếng Hàn, tiếng Đức?", chị thắc mắc.
Anh Nguyễn Quốc Định (Hải Hậu, Nam Định) tá hoả khi thấy nhiều người bàn tán về việc bắt buộc học hai thứ tiếng Hàn và Đức. Chương trình học của các con quá nặng, ngoài giờ học trên lớp hầu như gia đình phải chi thêm tiền cho con học bổ trợ tiếng Anh bên ngoài. Con sẽ bị quá tải nếu thêm hai môn nữa.
Nếu được chọn giữa các môn ngoại ngữ, anh Định vẫn quyết cho con theo học tiếng Anh. Đây là môn học phổ biến, theo các con từ khi học lớp 1 đến giờ, cần giữ ổn định, không xáo trộn môn học.
"Tiếng Hàn, Đức chủ yếu phổ biến ở thành thị, còn khu vực nông thôn chưa thật sự cần. Học sinh chỉ cần học thật tốt, thành thạo môn tiếng Anh đúng như sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô là tốt lắm rồi, chưa mong đến chuyện giỏi hai ba ngoại ngữ", vị phụ huynh này lo lắng.
(Ảnh minh hoạ)
Chuyên gia nói "bình thường"
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức và một số ngoại ngữ khác vào trong giảng dạy là bình thường, và phụ huynh đang hiểu sai về thông tin này. Thực tế không phải bắt buộc các em học ngoại ngữ này bên cạnh tiếng Anh, mà là sẽ dựa theo nhu cầu, lựa chọn của học sinh. Tức là học sinh có nguyện vọng học ngoại ngữ nào thì sẽ đăng ký học ngoại ngữ đó. Như vậy điều này là tạo thuận lợi cho học sinh.
Việc lựa chọn những môn ngoại ngữ này dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có xu hướng hợp tác của nền kinh tế Việt Nam và quốc gia đó. Chẳng hạn học sinh học tiếng Đức vì muốn tìm kiếm triển vọng công việc tại các công ty, tập đoàn của quốc gia này.
Để thí điểm thành công việc dạy đa ngôn ngữ trong trường học, Bộ GD&ĐT cần phải đào tạo đội ngũ giáo viên có chuyên môn tốt. Một số ngoại ngữ khó như tiếng Đức, tiếng Nga đòi hỏi trình độ giáo viên phải nắm vững mới có thể tính đến chuyện giảng dạy trong trường học được.
“Đây là chính sách rất có lợi cho học sinh, phù hợp xu thế tương lai. Các em muốn trở thành công dân toàn cầu thì phải biết ngoại ngữ. Học sinh có thể lựa chọn các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh phục vụ sở thích, công việc là một điều rất tốt”, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Học sinh học tập kiến thức văn hoá của các nước. (Ảnh: H.C)
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu cho rằng, việc đưa ngôn ngữ vào trường là điều đáng hoan nghênh và mang đến nhiều lợi ích tích cực. Sở dĩ những ý kiến trái chiều là do phụ huynh bị hiểu sai đây là các môn bắt buộc.
Việc dạy đa ngôn ngữ trong trường học được các quốc gia trên thế giới áp dụng rất lâu. Việt Nam bây giờ mới đưa vào trường là hơi muộn. Chẳng hạn ở Nhật Bản, trong trường học cũng dạy tiếng Việt không phải vì người học sẽ sang Việt Nam làm việc, mà họ có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, phong tục của Việt Nam. Cho nên việc trang bị nhiều ngôn ngữ là lợi thế trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Nhận định việc dạy nhiều ngôn ngữ là chủ trương đúng đắn, nhưng vị chuyên gia cho rằng vấn đề lo ngại nhất là không có đủ giáo viên để giảng dạy. Nếu học sinh được học nhiều ngôn ngữ bên cạnh tiếng Anh thì quá tốt. Việc đăng ký ngoại ngữ như thế nào phụ thuộc vào định hướng của từng gia đình. Vì thế phụ huynh nên tìm hiểu kỹ, trước khi xôn xao, lo lắng.
Bộ GD&ĐT: Học sinh được lựa chọn
Lý giải về quy định mới này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ 1. Từ đó, có thể hiểu "ngoại ngữ 1” là ngoại ngữ bắt buộc.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm tiếng Nhật vào nhóm ngoại ngữ 1, được dạy và học trong trường phổ thông. Đến nay, Bộ quy định thêm 2 thứ tiếng (tiếng Hàn và Đức). Như vậy, trong nhóm ngoại ngữ 1 có 7 thứ tiếng được dạy trong các trường phổ thông gồm: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức. Các trường học phải bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.
Còn “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Nếu học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ 1 thì vẫn có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn hoặc tiếng Đức như ngoại ngữ 2 để học bổ trợ khi trường có tổ chức dạy.