Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra công điện khẩn gửi các cơ quan đơn vị trên địa bàn yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ.
Các đơn vị cần thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Đối với khu vực ven biển, cửa sông, các địa phương phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng ra công điện khẩn về phòng chống bão số 7.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan khẩn trương sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tàu thuyền ở Thanh Hóa và Nghệ An đã vào nơi tránh trú bão an toàn
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến chiều 13/10, tất cả 7.211 phương tiện tàu, thuyền của Thanh Hóa đều nắm được thông tin về cơn bão số 7, đồng thời duy trì liên lạc với đất liền. Các phương tiện đã và đang trên đường vào nơi tránh trú an toàn.
Hiện có 7.000 tàu thuyền với 25.378 lao động vào nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó có 109 phương tiện với 522 lao động đã vào các âu, bến tránh trú của tỉnh. Một số phương tiện và lao động còn lại đã vào tránh trú tại các nơi tránh trú bão của TP Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Định.
Ngoài ra, còn 211 phương tiện với 1.238 lao động vẫn đang trên đường vào bờ, mỗi ngày đều duy trì liên lạc 2 lần với đất liền qua các kênh thông tin và Đài Thông tin Duyên hải.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 3.485 tàu thuyền với 17.473 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Tính đến 14h ngày 13/10, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã vào bờ trú tránh bão an toàn.
Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng đã lên phương án di dời 149 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu nếu bão đổ bộ vào Nghệ An.