Chiều 13/10, tại cuộc họp của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn thông tin về cơn bão số 7 và tình hình mưa lũ, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, dự báo tối và đêm nay, bão số 7 sẽ tương tác với địa hình đảo Hải Nam (Trung Quốc). Diễn biến, quỹ đạo của bão trong đêm nay và sáng mai tương đối phức tạp.
“Cường độ cũng có thể thay đổi theo hướng mạnh lên hoặc yếu đi, đêm nay là đêm quyết định”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết, vấn đề nguy hiểm nhất của bão số 7 với khu vực đất liền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là mưa lớn. Do ảnh hưởng không khí lạnh, mưa lớn sẽ diễn ra từ sáng mai (14/10) đến hết 16/10.
Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Yên Bái là khu vực có trọng điểm mưa rất to, tổng lượng mưa trong thời gian hơn 2 ngày là 200-300mm, có nơi trên 400mm, các nơi còn lại phổ biến 50-100mm.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.
“Với lượng mưa lớn trong 2 ngày, các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở đô thị. Khu vực các tỉnh Đông Bắc trước và sau bão đều có mưa to và gió mạnh, đặc biệt ở các đảo”, ông Lâm nói.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho hay, bão số 7 đi vào Vịnh Bắc Bộ sẽ gây gió mạnh, thời điểm mạnh nhất trong ngày mai (14/10) có thể đạt cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12.
“Gió mạnh trên đất liền từ trưa đến tối mai. Khu vực đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ chịu ảnh hưởng của gió mạnh từ sáng mai đến trưa chiều.
Mưa có khả năng diễn ra từ chiều mai đến ngày 16/10 với tổng lượng mưa lớn, trọng tâm là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các khu vực miền núi và trung du phía Bắc bắt đầu từ tối mai (14/10) đến hết ngày 16/10", ông Khiêm thông tin.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.
Nhận định đây là cơn bão trái mùa, có lượng mưa lớn, xảy ra khi toàn bộ các hệ thống đang bị tổn thương do thiên tai, ông Khiêm cho biết, đây là hệ quả của biến đổi khí hậu, đã tác động làm thiên tai biến động rất nguy hiểm. Ở phía Bắc, do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nguồn ẩm lớn nên hoàn lưu của cơn bão số 7 rất rộng, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.
Bão số 7 sẽ gây mưa rất rộng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Với khu vực Hà Nội, ông Khiêm cho biết, mưa lớn có thể bắt đầu từ đầu giờ chiều mai với lượng mưa từ 150-200mm.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo, thời tiết nguy hiểm sẽ không chỉ diễn ra khi bão đổ bộ mà ngay trước và sau khi bão vào đất liền cũng có tác động rất lớn.
Hồi 16h ngày 13/10, tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16h ngày 14/10, tâm bão ở ngay trên vùng ven biển các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.