Hôm 21/5, ông Taweesilp Visanuyothin, phát ngôn viên của Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan, cho biết nước này gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đến hết tháng 7. Quyết định này cho phép Chính phủ Thái Lan áp đặt các biện pháp ứng phó với dịch bệnh mà không cần sự phê duyệt của các cơ quan khác.
Thái Lan lần đầu ban hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào tháng 3 năm ngoái. Sắc lệnh này đã được gia hạn nhiều lần sau đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ca mắc mới và chết do COVID-19 tăng mạnh tại Thái Lan trong thời gian gần đây. (Ảnh: Bangkok Post)
Quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Thái Lan được đưa ra khi nước này đang chống chọi với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ ba. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng lên gấp 4 lần trong 7 tuần qua, trong khi số người chết tăng 7 lần trong khoảng thời gian này.
Đến nay, Thái Lang hi nhận 123.066 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 735 người chết. Số người khỏi bệnh tại nước này hiện là 79.504.
Làn sóng lây nhiễm mới tại Thái Lan bắt đầu từ các địa điểm vui chơi giải trí về đêm ở thủ đô Bangkok vào đầu tháng 4. Đến nay, các ca bệnh đã lây lan sang các khu vực khác, trong đó có các công trường xây dựng, nhà tù…
Chương trình tiêm chủng của Thái Lan diễn ra chậm do thiếu nguồn cung, nước này mới chỉ tiêm 2,5 triệu trên 70 triệu dân. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng của Thái Lan gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu trong chống dịch, cư dân ở các khu vực đang bùng phát dịch bệnh, người lao động…
Thái Lan đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của mình trong năm nay, với lý do sự chậm trễ trong việc mở lại biên giới cho khách du lịch nước ngoài và tốc độ tiêm phòng diễn ra chậm. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan dự báo, tăng trưởng kinh tế nước này có thể đạt được từ mức 1,5% đến 2,5% trong năm nay, ít hơn mức dự báo 2,5% -3,5% vào tháng 2.