Gần 90 tuổi đời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người lính, người cán bộ chính trị quân sự dày dạn kinh nghiệm. Ông còn là một Tổng Bí thư tâm huyết với công tác xây dựng Đảng, một người lãnh đạo gần dân.
21 năm làm thư ký của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1984-2005), trong ký ức của ông Nguyễn Cao Thế thì Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người “nói đi đôi với làm”, rất trọng thực tiễn. Trong công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn là người luôn “nhìn xa, trông rộng” và mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có Đức, vừa có Tài, vì nước vì dân.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - một con người tâm huyết với công tác xây dựng Đảng.
- Thưa ông, với 21 năm gắn bó làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông có cảm nhận như thế nào về con người của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu?
Bác Phiêu là con người sống rất thực tiễn. Kể cả lúc ở quân đội và lên Tổng Bí thư đều sát với chiến sĩ, sát nhân dân, quan tâm đến đời sống của nhân dân và con em các dân tộc miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa nơi cơm ăn còn ít, học hành không được mấy thì bác Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến những vấn đề đó.
Vì bác Lê Khả Phiêu là con người đã trải qua chiến đấu, cho nên rất thực tiễn về cuộc sống, không hình thức, không cầu kỳ. Bác là con người suy nghĩ như thế nào, làm như thế đấy, không chuộng hình thức. Bác quý trọng những người có đức có tài, kể cả trong quân đội và khi làm Tổng Bí thư.
- Ông có kỷ niệm sâu đậm ấn tượng nào trong những năm tháng gắn bó làm việc cùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu?
Thời Tổng Bí thư còn ở Campuchia, tuy rất nguy hiểm nhưng hai thầy trò vẫn đi xuống địa phương đơn vị. Đường sá xa xôi, trời nắng vừa đói vừa khát, nhưng bác luôn đến từng đơn vị ở Campuchia, kể cả ngày và đêm, kể cả đơn vị của ta và đơn vị của bạn, xuống thăm hỏi từng chiến sĩ.
Lúc ở Campuchia hay ở Việt Nam cũng thế, thời đó còn khó khăn, đi lại bằng xe U oát. Đi từ Hà Nội vào Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, thầy trò chỉ có cơm đùm, cơm nắm. Trưa đói quá, đến đoạn nào đó mát trời thì thầy trò xuống ăn cơm đùm, cơm nắm rồi lại tiếp tục đi. Cuộc sống của bác Lê Khả Phiêu đơn giản như thế.
- Những năm tháng làm việc trong quân đội, ông Phiêu thường quan tâm đến những vấn đề gì?
Đó là xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng, bác luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng đảng trong quân đội. Cho nên sau này khi làm Tổng Bí thư, bác vẫn chú ý đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong quân đội, bác luôn mong làm thế nào để cán bộ, chiến sỹ hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, nhà nước ta. Xây dựng quân đội luôn luôn hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng. Đó là tư tưởng của bác Lê Khả Phiêu.
Ông Nguyễn Cao Thế.
- Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng một cách đầy nhiệt huyết và sâu sắc. Chính từ Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình. Thời điểm đó, hội nghị này có ý nghĩa như thế nào?
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu muốn tổ chức nào cũng thế, nhất là tổ chức Đảng thì điều quan trọng nhất là phải xây dựng con người, cán bộ. Bác nói, “con người là quyết định nhất” phải là người có Đức có Tài. Bác luôn nói phải xây dựng con người như thế, thì mới làm được việc. Con người vì nước, vì dân, chứ bác không chuộng hình thức.
Bác nói người tâm huyết vì nước, vì dân, vì đảng thì người đó luôn quan tâm đến việc xây dựng tổ chức của mình trong sạch vững mạnh. Còn nếu ai mà cứ vì mình thì những việc khác sẽ không tốt. Tất cả trước hết vì dân vì nước chứ không phải mình.
- Không chỉ trong lúc đương chức, kể cả khi nghỉ hưu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải không, thưa ông?
Mặc dù nghỉ rồi nhưng bác Lê Khả Phiêu luôn tâm niệm “còn sức còn lực, còn đóng góp được gì cho Đảng thì sẽ đóng góp cho đến khi nào không đi được, không nói được mới thôi. Nếu còn có thể đóng góp được thì làm hết sức mình".
Xin cảm ơn ông!