Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: ‘Giám sát lơi lỏng, cá nhân tự thỏa mãn là nguyên nhân khiến cán bộ hư hỏng’

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận định, do công tác giám sát cán bộ ở một số nơi làm chưa chặt, trong khi đó nhiều người lại mắc bệnh chủ quan, tự thỏa mãn cá nhân, đây là những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, hư hỏng của cán bộ hiện nay.

Trả lời phỏng vấn VTC News, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thẳng thắn chỉ rõ  những mặt hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong công tác cán bộ hiện nay. Nguyên Tổng Bí thư cũng đưa ra những ý kiến góp ý cho Đảng để chấn chỉnh lại tình trạng trên.

Video: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 'mổ xẻ' chuyện chạy bằng, cấp

- Thưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, vừa qua đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến một số cán bộ cấp ủy viên Trung ương hiện đang là lãnh đạo cấp cao ở một số địa phương, trong đó có người đã bị đề nghị xử lý kỷ luật, có người bị kiểm tra, chờ kết luận xử lý như vụ Bí thư TP Đà Nẵng, việc tố cáo bằng cấp của Bí thư tỉnh Hải Dương. Ông nhận xét thế nào về các vụ việc này?

Trường hợp của Bí thư Đà Nẵng thì tôi cũng nghe phản ánh nhiều rồi. Nghe cả anh em cán bộ vẫn đương chức kể lại, nghe của cả dư luận quần chúng nói.

Tôi cũng có lần được mời vào Đà Nẵng, vào đấy thì cán bộ cũng báo cáo tôi về tình hình địa phương, về những thành tích mà Đà Nẵng đã làm được, những chủ trương sắp tới. Tuy nhiên dù báo cáo thế nhưng trên thực tế lại làm những cái cũng không đúng.

Những cái không đúng thì không phải là nhân dân không biết, đảng bộ không địa phương không biết đâu. Nhưng hiềm nỗi là biết mà họ lại không nói. Mà họ không nói thì có nhiều nguyên nhân. Họ không nói trong tổ chức Đảng, nhưng mà họ lại đi nói ở ngoài.

Thì bên ngoài có thời gian đã có dư luận rồi đấy, nhưng mà lúc đó lại không ai để ý, không ai xem xét để xác minh, làm rõ và chấn chỉnh ngay, để giờ mới lên tiếng thì vấn đề đã lớn rồi.

Còn trường hợp của Bí thư Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển thì tôi cũng đã biết thông tin và đã có ý kiến gửi đến lãnh đạo cấp cao từ trước Đại hội 12. Nội dung là cần phải xem xét, xác minh rõ ràng thông tin về bằng cấp của ông này.

Nhưng có điều cơ quan Đảng đã không sớm xác minh làm rõ để có kết luận kịp thời, để đến nay sự việc lại được đưa ra và Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) mới vào cuộc.

Khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm, thiếu trung thực thì Đảng sẽ có hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Mạnh Hiển. Còn nếu không có sai phạm thì cũng để Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương và nhân dân cả nước biết rõ để tránh hiểu sai, dị nghị về cán bộ.

Cái quý giá của một Đảng viên, người Cộng sản là sự trung thực, nhưng chỉ vì mục đích cá nhân, mong muốn chức tước mà gian dối, thiếu trung thực thì người đó không xứng đáng. Là người đảng viên thì không được lừa dối Đảng. Tôi lấy ví dụ như việc một số đảng viên lừa dối Đảng, dùng bằng cấp giả. Họ dùng bằng cấp giả như thế thì đến lúc con cháu họ nhìn vào sẽ ra sao? Đó là điều rất không tốt.

 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (Ảnh: Tùng Đinh)

- Thưa ông, từ câu chuyện ‘lọt lưới’ những sai phạm như đã nói ở trên, ông có suy nghĩ gì về công tác tổ chức cán bộ?

Cách chọn lựa cán bộ thì bao giờ cũng đúng quy trình. Chỉ khi vào thực tiễn, bằng những việc làm cụ thể của người cán bộ ấy làm thì mới bộc lộ rõ ra là người cán bộ ấy có phù hợp hay không. Cái đấy rất quan trọng.

Nhưng vấn đề đặt ra là ai giám sát cái ấy, tức là giám sát việc người cán bộ ấy làm. Giám sát ở đây theo tôi trước hết là người dân ở chính các địa phương mà người cán bộ ấy đang làm việc. Người dân biết hết những chuyện như người cán bộ đó làm gì, làm như thế nào. Cái đúng, cái hay, cái được của người cán bộ đó thì người dân đều biết.

Nhưng cũng có khi người cán bộ về bản chất là tốt nhưng lại không phù hợp với công việc được giao. Đây là do công tác tổ chức sắp xếp của chúng ta chưa được phù hợp. Quá trình theo dõi, giám sát cán bộ của chúng ta chưa được sâu sát, nên mới có chuyện có người đang từ cấp rất thấp lại vượt lên trên, được đề bạt lên đến vài cấp. Trong đánh giá cán bộ của các tổ chức hiện nay có vấn đề là không được chặt chẽ.

Cũng có tình huống đánh giá đúng, công việc bố trí công việc đúng nhưng khi thực hiện thì người cán bộ lại làm sai. Tôi lấy ví dụ như ngay trong quân đội, có những vị tướng trong lúc huấn luyện thì rất giỏi. Nhưng đến khi ra trận thì chính ông ấy lại là người chỉ huy rất kém. Thậm chí kém là do không gan dạ, hễ nghe súng đạn, nghe máy bay là ông đã trốn xuống hầm rồi.

Nên muốn đánh giá cán bộ sâu sát nhất vẫn phải là thông qua thực tiễn. Người cán bộ phải được đánh giá bằng hai yếu tố là thông qua thực tiễn và dựa vào dân. Quần chúng nhân dân nhận xét và tổ chức đánh giá, đề bạt, cất nhắc thì đó mới chuẩn được.

 

Cái xấu ban đầu là nhỏ, nhưng vì nể nang nhau không nói nên cái xấu có điều kiện phát triển thành cái xấu to, trong khi thành tích cũ thì cứ ca ngợi thì đến lúc cái xấu bùng ra thì mất tất cả. 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

- Thông qua thực tiễn nghĩa là cán bộ đó phải được đánh giá, giám sát liên tục chứ không chỉ có quá trình đánh giá "đầu vào"?

Ngoài bồi dưỡng cán bộ thì còn có khâu sử dụng nữa, nó đòi hỏi phải toàn diện, tổ chức quản lý phải rất chặt chẽ. Người làm tổ chức là phải hiểu được người cán bộ đó, xem người ta trưởng thành đến đâu.

Có những trường hợp sai sót vì quan liêu. Cán bộ có một vài thành tích thì tâng bốc lên đến mây xanh, nhưng quá trình đấy lại khiến người cán bộ dễ tự kiêu, tự thỏa mãn. Sau đó là thoái hóa dần dần.

Thoái hóa dần dần đó không dễ nhận ra ngay đâu, nên mới có chuyện người cán bộ ban đầu là tốt, sau đó thì xấu. Giám sát lơi lỏng, cá nhân lại tự thỏa mãn là nguyên nhân dẫn đến cán bộ hư hỏng.

Nên công tác giám sát cán bộ là phải liên tục. Chúng ta hay nói quần chúng nhân dân giám sát nhưng mà quần chúng cũng không giám sát đủ được đâu, mà các cấp quản lý trực tiếp và gián tiếp phải giám sát người cán bộ đó, đó mới là quan trọng. Cái này thì hiện nay ta đang còn yếu. Chưa kể đến hiện tượng tiêu cực, nể nang nhau.

Cái xấu ban đầu là nhỏ, nhưng vì nể nang nhau không nói nên cái xấu có điều kiện phát triển thành cái xấu to, trong khi thành tích cũ thì cứ ca ngợi thì đến lúc cái xấu bùng ra thì mất tất cả. Cái mất này là rất đau, vì mất một người cán bộ như thế cũng là thiệt hại cho Đảng, cho nhân dân.

Nên như thời gian qua chúng ta đã thấy, tại sao vẫn để xảy ra những vụ việc lớn như mấy ông cán bộ phụ trách ngân hàng, dầu khí, công thương?

Đó là vì chúng ta giám sát không tốt, nể nang nhau, ca ngợi thành tích mà quên mất việc phê bình, sửa chữa các khuyết điểm của cán bộ.

- Cũng có ý kiến cho rằng việc xử lý cán bộ sai phạm hiện nay là ‘giải quyết hậu quả’ từ nhiệm kì trước để lại. Ý kiến của ông ra sao?

Theo tôi không phải là xử lý sai phạm cán bộ hiện nay là “giải quyết hậu quả” của nhiệm kì trước để lại đâu. 

Mà như tôi đã nói, đó là do công tác giám sát cán bộ của ta lỏng lẻo, chưa chặt. Có những cán bộ đã có những biểu hiện xấu từ khi còn ở cấp rất thấp, từ khi chưa phải là Bộ trưởng. Nhưng những nhược điểm của cán bộ lúc đó có ai giám sát, uốn nắn kịp thời đâu. Nên khi lên chức cao hơn thì nhược điểm sẽ càng có cơ hội để bộc lộ rõ.

Bản lĩnh của cơ quan tổ chức theo dõi cũng rất quan trọng. Tôi lấy ví dụ như có những cán bộ được Bộ Chính trị phân công phụ trách vùng chẳng hạn, mà ta hay nói là “cán bộ nằm vùng”, phụ trách chung cả mấy tỉnh.

Nhiệm vụ của người cán bộ này theo dõi, đánh giá, giám sát các địa phương này và báo cáo về trung ương. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là người cán bộ đó gửi báo cáo đánh giá có khách quan không?

Nhiều cán bộ thì làm rất là tốt, khách quan trung thực. Nhưng cũng có cán bộ thiếu khách quan, thì lại trở thành người tiêu cực, tức là tạo ra sự cục bộ, bè nhóm.

- Theo ông, công tác chống tham nhũng của Đảng hiện nay sẽ có tác động đến đội ngũ cán bộ công chức thế nào?

Hiện nay công cuộc chống tham nhũng cũng đang đưa đến những chuyển biến tích cực. Tức là người cán bộ sẽ phải tự soi mình, để làm việc công tâm hơn.

Nhiều người tưởng cái xấu của mình thì người khác không biết nhưng mà người ta biết hết chứ. Anh có thể là trưởng phòng, là Bộ trưởng, thậm chí là Tổng Bí thư, nhưng qua tiếp xúc hằng ngày thì người ta vẫn đánh giá anh được. Nếu lấy đánh giá đúng thì dứt khoát người cán bộ sẽ biết được mình tốt xấu thế nào. Có người nhờ được đánh giá, góp ý mà trở thành người giỏi.

Khi họp cán bộ lão thành tôi vẫn nói là góp ý thì cứ phải nói thẳng. Tốt thì không sao nhưng ngay cả những điểm chưa tốt cũng phải nói thẳng. Phải hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn ấy. Không đúng là phải sửa. Ở ta là một Đảng duy nhất cầm quyền, nên công tác phê bình và tự phê bình rất quan trọng.

Nếu công tác cán bộ làm không tốt thì làm sao có kết quả tốt được, hạn chế đến vai trò lãnh đạo của Đảng, làm dân không còn tin nữa. Đây là điều rất nguy hiểm, mà tôi nói thẳng đó là nguy cơ đấy.

Xin cảm ơn ông!

Lưu Thủy

Tin mới