Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ cập cảng Hàn Quốc sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

(VTC News) -

Ngày 16/6, tàu ngầm hạt nhân Mỹ chính thức cập cảng Busan, 1 ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển nhằm phản đối các cuộc tập trận Mỹ - Hàn.

Theo Yonhap, chiến hạm USS Michigan của Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng mang khoảng 150 hỏa tiễn Tomahawk đã cập cảng tại một căn cứ hải quân quan trọng ở Busan, cách Seoul 320 km về phía đông nam.

Đây là lần đầu tiên sau gần 6 năm, một tàu ngầm tên lửa dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSGN) mới cập cảng Hàn Quốc.

Tàu ngầm tên lửa dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Michigan cập bến căn cứ hải quân ở Busan, Hàn Quốc, ngày 16/6 (Ảnh: Yonhap)

Sự xuất hiện của tàu ngầm Mỹ tại Hàn Quốc là một phần của thỏa thuận song phương gần đây về việc tăng cường “khả năng hiển thị thường xuyên” của các khí tài chiến lược của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên nhằm đáp trả chương trình hạt nhân đang gia tăng của Bình Nhưỡng.

Phó Đô đốc Kim Myung-soo, Tư lệnh hải quân Hàn Quốc cho biết, sự xuất hiện của tàu USS Michigan cũng thể hiện năng lực áp đảo và trạng thái sẵn sàng của liên minh Mỹ - Hàn nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm hòa bình bằng sức mạnh.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, với việc triển khai tàu USS Michigan, hải quân Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung nhằm tăng cường năng lực tác chiến đặc biệt và khả năng chung để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc và Mỹ thời gian gần đây đã mở rộng các cuộc tập trận nhằm phản ứng lại các vụ thử tên lửa đầy khiêu khích của Triều Tiên kể từ năm ngoái. 

Trong khi đó, Triều Tiên lập luận rằng họ buộc phải tăng cường các hoạt động thử nghiệm để đối phó với các cuộc tập trận quân sự mở rộng của các đối thủ mà Bình Nhưỡng cho là làm đe doạ đến an ninh của mình.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là hiện đại hóa kho vũ khí của mình và tăng đòn bẩy trong ngoại giao sau này.

Vào tháng 4, sau cuộc gặp tại Washington, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nhất trí về việc Mỹ sẽ tăng cường “khả năng hiển thị thường xuyên của các tài sản chiến lược đối với Bán đảo Triều Tiên”. 

Ông Biden cũng tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ dẫn đến kết cục “chấm dứt bất kỳ chế độ nào" đã thực hiện hành động đó.

Hai nhà lãnh đạo cũng công bố các bước khác nhằm củng cố năng lực răn đe chung như định kỳ cập cảng một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Hàn Quốc; tăng cường diễn tập liên hợp; và thành lập một nhóm tư vấn hạt nhân mới. 

Bà Kim Yo Jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã chỉ trích các thỏa thuận của hội nghị thượng đỉnh Biden - Yoon, nói rằng những thoả thuận này tiết lộ “ý chí hành động thù địch và hung hăng nhất” của hai nước đối với Triều Tiên. Bà cũng khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa lực lượng hạt nhân của đất nước mình.

Trước đó, ngày 15/6, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía đông, ngay sau khi nước này tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tập trận bắn đạn thật vừa kết thúc giữa Hàn Quốc và Mỹ gần biên giới hai miền Hàn - Triều.

Đây là những vụ phóng vũ khí đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi nước này cố gắng đưa vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo vào cuối tháng 5. Vụ phóng thất bại do tên lửa mang theo vệ tinh do thám rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của Bán đảo Triều Tiên.

Vật thể được quân đội Hàn Quốc trục vớt được cho là một phần của phương tiện phóng vũ trụ của Triều Tiên đã rơi xuống biển sau vụ phóng thất bại ngày 31/5. (Ảnh: Bộ quốc phòng Hàn Quốc)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 16/6 cho biết các đội tìm kiếm quân sự đã trục vớt được các mảnh vỡ mà họ tin là thuộc về tên lửa bị rơi của Triều Tiên. Bộ trên đã công bố những bức ảnh về ống trụ kim loại màu trắng mà một số chuyên gia cho rằng có thể là thùng nhiên liệu của tên lửa.

Phương Thảo

Tin mới