Như trong thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, hôm 23/6, vào khoảng 12 giờ trưa cùng ngày (theo giờ địa phương), khu trục hạm HMS Defender, hải quân Hoàng gia Anh đã xâm phạm lãnh hải của Matxcơva trên biển Đen. Thậm chí tàu chiến Anh chỉ còn cách bờ biển bán đảo Crưm khoảng 10 hải lý.
Đáp trả lại, tàu tuần tra của Hải quân Nga đã được lệnh nổ súng để đánh chặn HMS Defender. Chưa dừng ở đó, máy báy Su-24M của Nga cũng ném ít nhất 4 quả bom vào hướng di chuyển của tàu chiến Anh. Trước phản ứng cứng rắn của phía Nga, HMS Defender buộc phải chuyển hướng rời khỏi khu vực.
Trả lời câu hỏi truyền thông sau cuộc đụng độ ở biển Đen, phía Anh cho biết diễn biến vụ việc không như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, đồng thời khẳng định HMS Defender thực hiện hải trình đến Gruzia bên trong lãnh hải của Ukraine.
Video: Su-24M của Nga đánh chặn tàu khu trục Anh gần bờ biển Crưm
Các chuyên gia quân sự cho rằng dù ai đúng ai sai, sự cố vẫn cho thấy đối đầu leo thang gần đây giữa Nga và phương Tây về các tuyến đường biển tranh chấp trên biển Đen. Bộ ngoại giao Nga gọi việc tàu chiến Anh tiến vào gần bờ biển Crưm là hành động “khiêu khích trắng trợn” và sẽ triệu tập đại sứ Anh liên quan đến vụ việc.
Một số nhà quan sát nhận định hải quân Anh đã chuẩn bị trước cho “hành động” lần này khi họ đưa đến biển Đen lớp tàu khu trục mạnh nhất – Type 45. Dù vậy, London có vẻ như đã không lường trước việc phía Nga sẽ có phản ứng mạnh như vậy.
Khu trục hạm phòng không HMS Defender thuộc hải quân Hoàng gia Anh. (Ảnh: Hải quân Anh)
Ngoài ra, với hệ thống tác chiến điện tử trên HMS Defender khó xảy ra việc nó vô tình hoặc bị áp chế điện tử, dẫn đến chuyển hướng nhầm vào vùng hải phận của Nga gần Crưm. Dù vậy vẫn rất khó để có thể xác định điều gì đã xảy ra trong trưa ngày 23/6, bởi tuyên bố của hai bên đều hoàn toàn trái ngược. Trong khi đó hệ thống nhận dạng tự động (AIS) trong tình huống này được cho là không chính xác.
Về HMS Defender, nó là một trong bốn tàu khu trục lớp Type 45 của Hải quân Hoàng gia Anh. Con tàu đóng vai trò ‘lá chắn’ phòng không cho các biên đội tàu chiến của nước này.
Do đó, thiết kế của Type 45 xoay quanh hệ thống phòng không trên hạm Sea Viper bao gồm radar chủ động SAMPSON, radar thụ động tầm xa S1850M và tên lửa đánh chặn Asper. Hệ thống này có khả năng theo dõi đồng thời hơn 2.000 mục tiêu từ khoảng cách 400km và điều khiển nhiều tên lửa đánh chặn đồng loạt.
Sức mạnh của Sea Viper khiến chiến thuật tấn công phủ đầu gần như không còn tác dụng. Nhờ vào Sea Viper, Type 45 có khả năng phát hiện và đánh chặn cả máy bay và tên lửa tàng hình.
Các tên lửa phòng không trên Type 45 được triển khai từ cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) Sylver A50 (48 ống phóng) với các tên lửa Aster-15 tầm bắn 30km và Aster-30 tầm bắn 120km.
_
Các thông số kỹ thuật và hệ thống vũ khí cơ bản trên một tàu khu trục Type 45. (Ảnh: The Time)
Ngoài năng lực phòng không, Type còn được trang bị 8 tên lửa chống hạm Harpoon, hải pháo BAE Mk 8 113mm, hệ thống đánh chặn tầm cực gần Oerlikon 30mm và Phalanx 20mm. Tất nhiên, Type 45 cũng được thiết kế mang theo 2 trực thăng hải quân Lynx trang bị tên lửa chống hạm Sea Skua hoặc 1 trực thăng Merlin trang bị ngư lôi chống ngầm.
Về hệ thống động lực, Type-45 được tích hợp động cơ điện độc đáo loại bỏ hộp số giúp giảm tiếng ồn khi hoạt động. Tàu có chiều dài 152,4m, lượng giãn nước 7.500 tấn, tốc độ tối đa 33 hải lý/giờ và phạm vi hoạt động lên tới 7.000 hải lý.
Ban đầu hải quân Anh định sẽ trang bị 12 tàu khu trục phòng không Type 45 nhưng do chi phí đội lên quá cao (hơn 1,46 tỷ USD cho mỗi tàu), cuối cùng chỉ có 6 chiếc được hạ thủy.