“Hành động khiêu khích này có thể đã được lên kế hoạch như một phần của chiến dịch lớn hơn, nhằm mục đích phá rối hệ thống chỉ huy – kiểm soát của chúng tôi, hoặc nhằm trinh sát”, ông Popov nói.
Phi công kì cựu nhấn mạnh việc Nga thả bom cảnh báo trong trường hợp này không phải là hành động bất thường. Phía Nga sẽ đưa ra lời cảnh báo qua radio hoặc bằng tín hiệu hình ảnh trước khi nổ súng.
“Tôi không nghĩ rằng việc đó là bất thường. Tôi biết có một số trường hợp tương tự. Thậm chí bản thân tôi đã từng đưa ra mệnh lệnh giống thế”, ông Popov nhấn mạnh, viện dẫn tình huống hồi giữa những năm 1990, khi một tàu chở hàng Thổ Nhĩ Kỳ treo cờ Malta xâm phạm biên giới Nga.
“Tôi ra lệnh cho máy bay xuất kích, và máy bay đã nã đạn. Sau đó, các tàu bảo vệ biên giới tiếp cận, chặn tàu hàng và đưa nó tới Novorossiysk. Cơ quan chức năng mở một cuộc điều tra và các lệnh trừng phạt đã được áp dụng. Công ty vận chuyển đã nộp phạt bởi vì họ đã vi phạm các nghĩa vụ hợp đồng cũng như các quy tắc mà họ phải tuân thủ khi điều khiển tàu đi qua vùng biển của chúng tôi”, ông Popov nói.
Tàu HMS Defender (đường đi màu xanh) bị bắn cảnh cáo khi xâm phạm lãnh hải Nga (đường màu đỏ). (Ảnh: Daily Mail)
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu hải quân Anh đã xâm nhập lãnh hải của nước này lúc 11h52’ sáng 23/6 theo giờ địa phương và đi sâu thêm 3km, tới gần Mũi Fiolent, ở Crưm.
“Vào lúc 12h06’ và 12h08’, một tàu tuần tra biên giới của Nga đã bắn cảnh cáo. Vào lúc 12h19’, một máy bay Su-24M đã thực hiện vụ ném bom cảnh cáo (4 quả OFAB-250) xuống đường đi của HMS Defender.” Bốn phút sau, lúc 12h23’, tàu khu trục Anh rời lãnh hải Nga.
Sự cố hôm thứ Tư với tàu khu trục Anh ngoài khơi Crưm đã cho thấy mối nguy hiểm khi sử dụng tàu chiến để đạt được các mục đích ngoại giao, Giáo sư Anatol Lieven của Đại học Georgetown ở Qatar viết trong một bài bình luận được đăng bởi Responsible Statecraft hôm thứ Tư.
“Vụ việc cho thấy những mối nguy hiểm liên quan đến việc sử dụng tàu chiến hoặc máy bay chiến đấu để bày tỏ các quan điểm ngoại giao hoặc pháp lý. Nguy cơ va chạm ngẫu nhiên luôn hiện hữu”, ông Lieven viết.
Bán đảo Crưm - dù đã sáp nhập Nga hồi năm 2014 - vẫn không được Anh công nhận là lãnh thổ của Nga. London cho rằng đây là lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng bất hợp pháp. Do đó, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định tàu chiến của mình đã đi qua vùng biển Ukraine, không xâm phạm lãnh hải Nga khi tiến sát Crưm.
Tuy nhiên, theo ông Lieven, việc Crưm sáp nhập Nga đã được “ủng hộ bởi đa số người dân địa phương trong một cuộc trưng cầu dân ý”.
“Phương Tây dù không công nhận cũng chỉ nên bày tỏ qua các tuyên bố chính thức, không phải thông qua việc điều động tàu chiến”, Lieven nhấn mạnh.