Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tận mắt cảnh uống mỡ sôi, liếm lưỡi cày nung đỏ dọa ma của thầy cúng người Mông

(VTC News) -

Thầy cúng A Giống cầm bát mỡ sôi húp một ngụm thật to rồi phùng miệng thổi thẳng vào lưỡi cày đỏ lừ làm bùng lên ngọn lửa lớn.

Video: Thầy cúng người H'Mông uống mỡ sôi, liếm lưỡi cày nung đỏ

Vùng cao luôn có nhiều chuyện kỳ bí, nhất là chuyện về những thầy cúng. Tôi từng nghe kể những khả năng kỳ dị của họ như: liếm lưỡi cày nóng đỏ, ăn than hồng hay uống dầu nóng sôi sùng sục... Chuyện kể thì nhiều, nhưng ít người được tận mắt. 

Cơ duyên đặc biệt, tôi được tận mắt những cảnh tượng đầy ma mị, thần bí ở nhà thầy cúng Mùa A Giống (bản Bó Nhàng 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La). Ông được cộng đồng người Mông ở đây rất kính trọng và hay mời đến nhà để cúng trong những dịp đặc biệt của gia đình.

Dẫn đường cho chúng tôi đến nhà thầy cúng Mùa A Giống là anh Tráng A Chu ở bản Hua Tạt – ông chủ một homestay ở huyện Vân Hồ. 

Nhà thầy cúng Mùa A Giống nhỏ xíu, lúp xúp, xiêu vẹo, nhưng ở địa thế rất nên thơ, trên một đồi chè trồi lên giữa thung lũng lúa xanh mướt mát.

Thầy cúng A Giống thổi dầu sôi vào lửa xua đuổi con ma trú ngụ ở gầm giường.

Vừa đến nơi, đã thấy ngoài cửa có cô gái đứng chờ sẵn. Anh A Chu hỏi ra mới biết cô ấy đến nhà thầy cúng để xem bói xem năm nay có tốt để lấy chồng hay không. Cô gái người nhỏ nhắn mặc váy xòe rất đẹp chỉ đứng khép nép ở ngoài cửa chờ thầy cúng Mùa A Giống đi ra chứ không dám tự tiện vào nhà. 

Biết trước đến lời đồn về khả năng kỳ bí của thầy cúng Mùa A Giống, ngồi chờ uống xong tuần trà đầu tiên bên bếp lửa, tôi bèn hỏi: “Bác liếm lưỡi cày nóng đỏ hay uống mỡ sôi đã bao giờ bị bỏng chưa?”. Thầy cúng A Giống cười khề khà đáp: “Chưa bao giờ. Làm lần đầu tiên là được luôn. Vì thần linh truyền cho năng lực mà, không cần luyện tập gì”.

Thầy cúng Mua A Giống kể nửa thực nửa hư chuyện được truyền nghề thầy cúng: Gia đình vốn có ông nội từng làm thầy cúng nổi tiếng khắp vùng. Tuy nhiên, đến đời bố của A Giống thì không làm nữa, chỉ làm ruộng bình thường. Đến đời của A Giống thì ban đầu “thần” chọn người anh đầu tiên để “truyền năng lượng”, nhưng do anh không muốn làm thầy cúng nên “năng lượng” dần mất đi. 

Khi A Giống 15 tuổi, một lần nằm mộng thấy “thần hiện ra” trao truyền năng lượng. Vốn đã muốn được trở thành thầy cúng từ lâu nên A Giống vui lắm đón nhận “năng lượng” mà “thần” trao truyền. 

Từ đó, cứ lâu lâu vào những đêm rằm, khi thầy A Giống nằm ngủ thì “thần linh” lại xuất hiện và trao truyền những bài cúng mới. Những vị thần núi, thần rừng cao lớn uy nghi hiện về trong giấc mơ của A Giống mỗi đêm như thế sẽ trao truyền khả năng đặc dị giúp A Giống có thể được bảo vệ khi thực hành các nghi thức cúng (?!).

Không chỉ học từ tổ tiên theo kiểu đầy tâm linh ma mị, thầy cúng A Giống còn học hỏi từ những thầy cúng khác ở các vùng lân cận để biết thêm nhiều phép bắt ma hay bói toán. 

Hôm chúng tôi đến, rất may mắn, đúng ngày mà thầy cúng Mùa A Giống chuẩn bị làm lễ cúng vì mới... sửa nhà. Căn nhà mới sửa xong phần vách trước đó mấy ngày nên hôm đó là thời điểm thích hợp để làm lễ cúng. Theo ông, phải có lý do gì đó phù hợp mới thực hiện được lễ cúng và thần linh mới cho năng lượng để làm các nghi thức.

  Thầy cúng Mùa A Giống đổ dầu vào chảo đun nóng.

Thầy cúng Mùa A Giống lững thững xách theo một can dầu về nhà, đặt chiếc chảo to rồi đổ vào cỡ một lít dầu thực vật. Từ lúc nhóm lửa pha trà, ông đã dúi chiếc lưỡi cày trong lớp than đỏ nóng rực. Thầy cúng nói, dầu hoặc mỡ phải thật nóng, lưỡi cày phải thật đỏ, thì khi ngậm dầu mỡ phun lửa, hay liếm lưỡi cày thì ma trong nhà mới sợ mà tháo chạy. 

Dầu trên lửa hồng nhanh chóng sôi phát ra những tiếng lách tách. Thầy cúng thò một ngón tay vào chảo dầu, khoắng một cái để kiểm tra độ nóng của dầu. Thấy chừng chưa được, thầy bảo phải để thêm chút nữa.

Lưỡi cày lúc đó đã bắt đầu ửng hồng nhưng vẫn chưa đủ nóng. Trong lúc chờ đợi, thầy cúng Mùa A Giống bắt đầu những nghi thức đầu tiên của lễ cúng.

Lưỡi cày được đun cả tiếng trong lửa than cho nóng đỏ.

Khấn xong ở bàn thờ thần linh và tổ tiên, ông tung những miếng sừng âm dương vài lần. Mỗi lần những miếng sừng rơi xuống thì ông đều dừng lại nhìn kỹ một lúc trong khi miệng không ngừng lầm rầm bài khấn.

Sau nghi lễ đầu tiên ấy, các dấu hiệu có vẻ tốt, thầy cúng A Giống tươi tỉnh mặt mũi, cười khà khà mà bảo với anh A Chu bằng tiếng Mông: “Nay cúng là tốt lắm, sẽ đuổi được con ma đi”.

 Trước khi thực hiện nghi lễ kinh dị là ngậm dầu sôi, liếm lưỡi cày, thầy cúng Mùa A Giống phải cúng khấn xin phép thần linh, gieo quẻ.

Trong lúc thực hành nghi lễ, cậu con trai đã hơ bó tre chẻ mỏng từ lâu trên lửa để chúng khô quắt lại, dễ bén lửa. Ông Giống lấy bó tre châm lửa cháy đùng đùng, rồi múc một bát dầu trong chảo nóng già.

Thầy cúng Mùa A Giống để bát dầu sôi sùng sục giữa nhà, lẩm nhẩm mấy câu thần chú. Tay ông chỉ thẳng vào bát dầu như kiểu muốn hội tụ năng lượng mà thần linh trao truyền rồi sau đó nhanh như cắt, ông cầm bát dầu lên hớp một ngụm to rồi thổi thẳng vào bó tre đang cháy âm ỉ làm bùng lên ngọn lửa lớn ngay giữa nhà. 

Thầy cúng Mùa A Giống ngậm dầu sôi thổi vào lửa cháy đỏ rực.

Đến góc giường nơi các cháu đang ngồi, thầy cúng lại tiếp tục hớp một ngụm to dầu sôi rồi thổi bùng lên ngọn lửa còn lớn hơn, lửa lùa cả vào gầm giường làm anh con trai cả co rúm nép vào góc giường rồi kêu: “Con ma chạy ra đấy!”. Ngậm hết bát dầu sôi, ông lại rót tiếp từ cái chảo trên bếp và cứ thế lần lượt thổi lửa khắp nhà và kết thúc ở cửa chính để đuổi con ma ra ngoài. 

Tôi hỏi thầy cúng Mùa A Giống: “Thầy đã bao giờ nhìn thấy con ma chưa?”, ông đáp luôn: “Có chớ, nhìn thấy ma chớ, thấy con ma đen sì, mắt đỏ ngầu chạy loanh quanh khắp nhà. Vì từ hồi làm nhà mới mà chưa được cúng, thần chưa bảo vệ nên ma vào được nhà. Bây giờ cúng rồi thì thần mới bảo vệ mà giúp tôi đuổi nó đi”.

Tiếp sau đó, thầy cúng A Giống dùng kìm rút lưỡi cày nóng đỏ đã được nung trong lửa. Lưỡi cày nóng già, khi rút ra hoa lửa bắn tung tóe. Sau đó, thầy cúng đọc vài câu chú, mắt giãn căng, nhìn chằm chằm vào phần lưỡi nung đỏ rồi khua tay lè lưỡi liếm vào đầu lưỡi cày.

Tiếng xèo xèo của lưỡi và nước bọt tiếp xúc với sức nóng của lưỡi cày nung đỏ khiến tôi rợn cả người. 

 Thầy cúng A Giống liếm lưỡi cày vừa nung hàng giờ.

Sau mỗi lần liếm thì thầy cúng lại đọc câu chú rồi dậm mạnh chân, hét vang nhà. Đến vòng cuối cùng, để đuổi ma, thầy cúng A Giống lấy bát mỡ sôi húp một ngụm thật to rồi phùng miệng thổi thẳng vào lưỡi cày đỏ làm bùng lên ngọn lửa lớn. 

Cảnh tượng dầu nóng tiếp xúc với sắt nung đỏ phát ra, bắn tứ phía làm ai nấy đều sợ hãi tránh xa. Cuối cùng, ông ngậm một ngụm nước thổi tiếp vào lưỡi cày làm bùng lên một lớp khói trắng mù mịt cả căn nhà. 

Mấy anh con trai và cháu chắt đều sợ hãi chạy hết ra ngoài, không ai dám đứng gần thầy cúng A Giống. Hỏi ra mới biết họ sợ khi ông đang cúng, con ma hoảng sợ trước năng lực thần kỳ của thầy mà chạy khắp nhà nên tốt nhất là nên tránh ra. 

Sau khi ném lưỡi cày cái xoảng ra ngoài cửa, thầy cúng quay ra bảo: “Xong rồi đó, con ma đi rồi”. 

Mỗi lần liếm vào lưỡi cày nung đỏ đều phát ra tiếng xèo xèo.

Tò mò không biết liệu miệng của ông có bị bỏng hay không, tôi hỏi và muốn được tận mắt xem thì thầy cúng liền há miệng, lè lưỡi ra. Thật kỳ lạ là không có một dấu hiệu nào của việc bị bỏng hay phồng rộp. Khuôn miệng và lưỡi hoàn toàn bình thường.

Thầy cúng Mùa A Giống với những năng lực thần bí, được cộng đồng dân cư ở đây rất nể trọng. Trong vùng, trước đó có một thầy cúng cũng làm những nghi thức kinh dị giống ông, nhưng do năng lực được trao truyền chưa đủ nên một lần đi cúng, khi ngậm dầu sôi đã bị bỏng nặng, tuột da miệng, phồng rộp lưỡi, nhiều ngày không ăn được. 

Theo tìm hiểu từ các tài liệu chính thống, thì đây là một nghi thức của shaman giáo, một trong những hình thức tôn giáo cổ xưa khởi từ thời thị tộc nguyên thủy. Shaman giáo không chỉ có ở Việt Nam mà có ở khắp mọi nơi trên thế giới. 

Hình thức tôn giáo sơ khai này sử dụng một người làm trung gian mà cụ thể ở đây là thầy cúng để nói lại những dặn dò của thần linh hoặc của tổ tiên. Và người sống cũng có thể qua người trung gian tức thầy cúng để gửi những ước nguyện của mình đến thần linh như mùa màng bội thu hoặc lấy chồng gả vợ. Shaman giáo hiện còn tồn tại rất nhiều tại các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Những ghi chép trên là những gì phóng viên tận mắt chứng kiến, còn người thầy cúng có dùng xảo thuật gì không thì cũng chưa kiểm chứng được. Khả năng đặc dị của thầy cúng, có thể là một bí kíp biểu diễn nào đó, mà chúng ta chưa tìm hiểu, giải mã được dưới góc độ khoa học. 

Trần Huệ Trang

Tin mới