Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao Nga lại ‘lãng quên’ T-90 cho đến chiến dịch quân sự ở Ukraine

(VTC News) -

Dù được đánh giá cao hơn nhiều so với những loại xe tăng được kế thừa từ thời Liên Xô, nhưng Nga lại đặt hàng rất ít những chiếc T-90 cho đến khi xung đột nổ ra.

T-90 đi vào hoạt động từ năm 1992, phần lớn chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực này được sản xuất tại Nga. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã có gần 9.000 chiếc được chế tạo trong hơn 30 năm cho đến đầu năm 2022.

T-90 là một phiên bản phái sinh của T-72. Mặc dù các thông số kỹ thuật về hiệu suất của T-90 rất khác nhau tùy thuộc vào từng biến thể, nhưng sau Chiến tranh Lạnh chiếc xe tăng này vẫn dành được nhiều đơn đặt hàng nhất so với các thiết kế xe tăng cùng thời. 

Tuy nhiên, trước năm 2022, số lượng T-90 ở Nga lại rất khiêm tốn. Bản thân quân đội Nga chỉ có khoảng 420 chiếc đã được đưa vào sử dụng trong nước vào đầu năm 2022.

Thay vào đó, các lực lượng vận hành lớn nhất của T-90 lại ở bên ngoài nước Nga, cụ thể là quân đội Ấn Độ và Algeria. Vào những năm 2000, quân đội Ấn Độ và Algeria đã triển khai khoảng 1.150 xe tăng T-90S, trong thời gian đó họ còn đặt hàng thêm 700 chiếc biến thể T-90SA. 

Nhà máy sản xuất T-90 của Nga.

Ấn Độ và Algeria cùng với Trung Quốc liên tục được xếp hạng trong số các khách hàng quốc phòng hàng đầu của Nga và cũng là những nước dẫn đầu vận hành một loạt hệ thống vũ khí có nguồn gốc từ Nga, từ máy bay chiến đấu Su-30MKI/MKA đến hệ thống phòng không S-300PMU2/S-400. 

Nguyên nhân

Việc quân đội Nga chỉ đặt hàng hạn chế số lượng T-90 trước năm 2022 có một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu là vẫn còn rất nhiều xe tăng T-72 và T-80 được thừa kế sau khi Liên Xô tan rã. 

Phần lớn trong số xe tăng trên vẫn được cất giữ, đến năm 2022 khoảng 1.400 chiếc T-72 đã được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn T-72B3 và B3M. Gói nâng cấp này trang bị bổ sung hệ thống chụp ảnh nhiệt, kính ngắm xạ thủ Sonsna-U, hộp số tự động mới, liên lạc vô tuyến hiện đại và pháo nòng trơn 2A46M-5 125mm mới. 

Vũ khí và khả năng điều khiển hỏa lực mới cho phép những chiếc T-72 cải tiến có thể sử dụng các loại đạn mới như đạn xuyên giáp 3BM48 ổn định loại bỏ đạn sabot và tên lửa dẫn đường chống tăng 9M119M1. Bên cạnh đó xe cũng được tăng cường mức độ bảo vệ với các biến thể hiện đại của áo giáp phản ứng nổ Kontakt-5 hoặc Relikt. 

Xe tăng T-72B3 của Nga.

Do đó, biến thể T-72 hiện đại hóa được coi là vượt trội hơn nhiều so với T-90 phiên bản gốc được sản xuất từ năm 1992, nhưng khi so sánh với các biến thể T-90S được sản xuất trong những năm 2010 để bán cho Ấn Độ và Algeria thì vẫn kém khả năng hơn. 

Tuy nhiên, việc hiện đại hóa những chiếc T-72 hiện có được coi là tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc chế tạo xe tăng mới. Vì vậy, sự xuất hiện của những chiếc xe tăng T-72 nâng cấp là yếu tố chính ngăn cản quân đội Nga đặt hàng số lượng lớn T-90.

Lý do thứ hai khiến Nga không thực sự quan tâm nhiều đến T-90, là do một loại xe tăng mang tính cách mạng hơn nhiều đang được phát triển ở nước này có tên gọi là “T-95”. Chương trình T-95 dự kiến ​​sẽ đưa các đơn vị thiết giáp của Nga vượt trội so với phần còn lại của thế giới, giống như T-64 đã làm vào những năm 1960. 

T-95 dự kiến ​​sẽ nặng hơn so với T-90, khoảng 55 tấn và sử dụng tháp pháo không người lái điều khiển từ xa với pháo nòng trơn 152mm 2A83. Chương trình T-95 sẽ được trang bị những hệ thống bảo vệ chưa từng có và hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến. 

Tuy nhiên, nước Nga thời hậu Xô Viết đã không thể tiếp tục phát triển T-95 và đã phải hủy bỏ dự án vào cuối năm 2010 để chuyển sang một sản phẩm phái sinh khiêm tốn hơn, nhưng vẫn sử dụng nhiều công nghệ được áp dụng cho T-95 đó là T-14 Armata. 

T-14 dự kiến ​​sẽ được quân đội mua với số lượng đáng kể từ cuối những năm 2010, nhưng giống như nhiều chương trình vũ khí chiến thuật đầy tham vọng của Nga, nó đã bị trì hoãn nghiêm trọng. 

Xe tăng T-14 Armata.

Kết quả là quân đội Nga vẫn phải đầu tư vào việc hiện đại hóa những chiếc T-72 và T-80 từ thời Liên Xô sản xuất. Và đến năm 2019, Nga bắt đầu phải đặt hàng một số lượng nhỏ xe tăng T-90 hiện đại hóa, được chế tạo theo tiêu chuẩn T-90M, chiếc đầu tiên đi vào hoạt động vào tháng 4/2020. 

Tương lai lực lượng thiết giáp Nga

Tương lai của các đơn vị thiết giáp Nga vẫn rất khó đoán, những tổn thất đáng kể của các đơn vị T-72 ở Ukraine được cho là yếu tố chính thúc đẩy Bộ Quốc phòng Nga tăng cường sản xuất T-90M để sử dụng trong nước. 

T-14 cũng đã được triển khai tới Ukraine nhưng chỉ với mục đích thử nghiệm. Các chuyên gia quân sự cũng đưa ra nhiều suy đoán, liệu cuộc xung đột sẽ đẩy nhanh tiến độ chương trình T-14 hay Nga sẽ đẩy mạnh việc sản xuất thêm T-90M. 

Vào tháng 9/2023, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã ra quyết định tái sản xuất những chiếc xe tăng T-80 tại nhà máy Omsktransmash. Hiệu suất mạnh mẽ của T-80 và đặc biệt là tính cơ động của nó đã được chứng minh rõ trên chiến trường Ukraine, có khả năng của các biến thể T-80 mới sẽ có những tính năng vượt xa T-90M. 

Xe tăng T-80BMV.

T-80 từng là phiên bản cao cấp hơn và đắt hơn nhiều so với T-72. Các biến thể của T-80 được dự kiến thiết kế với tháp pháo không người lái và các tính năng thế hệ tiếp theo đã được lên kế hoạch từ thời Liên Xô nhưng chưa hoàn thành do sự tan rã của nhà nước.

Với sự gia tăng lớn về đơn đặt hàng T-90, chiếc xe tăng này dự kiến ​​sẽ trở thành phương tiện chiến đấu chủ yếu trong các đơn vị thiết giáp của quân đội Nga và sẽ tiếp tục được sản xuất trong nhiều năm để tiếp tục giao hàng cho Ấn Độ, Algeria và có khả năng cho các khách hàng mới như Belarus và Ai Cập. 

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch)

Tin mới