Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao không nên để thức ăn nóng vào tủ lạnh?

(VTC News) -

Nhiều người tiện tay cất cả thực phẩm nóng vào tủ lạnh để bảo quản mà không biết rằng thói quen này không chỉ gây tốn điện.

Để hoàn tất nhanh chóng công việc dọn dẹp, bếp núc, nhiều người cho tất cả thực phẩm cần bảo quản vào tủ lạnh bất kể nó đã nguội hay chưa. Dù được khuyến cáo, nhiều người vẫn chưa hiểu tại sao không nên để thức ăn nóng trực tiếp vào tủ lạnh, trong khi họ sẵn sàng trả thêm tiền điện. Thật ra, tốn điện không phải là tác hại lớn nhất.

Tại sao không nên để thức ăn nóng vào tủ lạnh?

Mục đích của việc đông lạnh về cơ bản là làm chậm quá trình mất đi hàm lượng dinh dưỡng, giữ hương vị cho thực phẩm, giúp nó chậm bị nhiễm khuẩn, ôi thiu. Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ rằng cứ cho đồ ăn vào tủ lạnh là có thể yên tâm, việc bảo quản cũng cần đúng cách.

TS Anju Sood, chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ, giải thích trên Food&Drink rằng, nếu cho ngay thức ăn nóng vào tủ lạnh, bạn không chỉ khiến tủ lạnh phải hoạt động nhiều hơn, gây tốn điện hơn mà còn có thể làm mất giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đó là lý do tại sao không nên để thức ăn nóng trực tiếp vào tủ lạnh.

Đừng nóng vội, ít nhất thì hãy đợi nhiệt độ thức ăn giảm xuống bằng nhiệt độ phòng trước khi cho vào tủ để bảo quản.

Bạn có biết tại sao không nên để thức ăn nóng trực tiếp vào tủ lạnh?

Một chuyên gia dinh dưỡng khác của Ấn Độ, TS Rupali Dutta, thuộc Viện tim Escorts, thành phố Delhi, giải thích, làm nguội thức ăn trước khi cất vào tủ lạnh là giải pháp lý tưởng để bảo quản tất cả các thực phẩm dễ hỏng như sữa, rau, thịt và thực phẩm đã nấu chín. Hãy để chúng nguội bớt  trong 2 giờ sau khi nấu.

Nếu muốn nhanh hơn, hãy chia thực phẩm thành các phần nhỏ để chúng mau nguội và có thể làm lạnh sớm hơn, tránh nhiễm khuẩn. Cần duy trì độ ẩm của thực phẩm bằng cách bọc chúng trong hộp hoặc giấy bạc. Điều này cũng giúp ngăn mùi của các loại thực phẩm khác nhau trộn lẫn, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập.

"Thực phẩm đông lạnh có thể được bảo quản đến 2-3 tháng, nhưng hãy kiểm tra màu sắc, mùi và vị để xem nó còn ăn được hay không”, TS Dutta khuyên.

Một số người lo ngại việc cất thức ăn nóng vào tủ lạnh sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của nó và nhiệt độ của thực phẩm trong đó. Với những chiếc tủ lạnh đời mới nhất, bạn không phải lo lắng về điều này vì bộ chỉnh nhiệt của tủ lạnh sẽ tự điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm.

Tuy nhiên, nếu đang sử dụng tủ lạnh đời cũ hơn, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như bảo quản thực phẩm nóng trong hộp kín để tránh bị ngưng tụ hơi nước và đóng băng. Tốt nhất là đợi thực phẩm nguội mới nên cất tủ.

Cách làm nguội thực phẩm nhanh chóng

Nếu bạn không có thời gian chờ và buộc phải đặt thức ăn nóng vào tủ lạnh, hãy cố gắng không dùng hộp đựng sâu lòng vì thực phẩm sẽ mất nhiều thời gian hơn để nguội. Hãy dùng các hộp nông để làm lạnh dễ dàng hơn. 

Nên chia thức ăn thành những phần nhỏ, đựng trong các hộp nhỏ hơn

Bạn cũng có thể làm lạnh nhanh thực phẩm bằng nước đá trước khi cho vào tủ lạnh

Với chất lỏng còn nóng, bạn cần đậy kín vật đựng trước khi để vào tủ lạnh để tránh bốc hơi, khiến tủ lạnh phải tăng công suất hoạt động.

Không nên đặt các hộp thực phẩm sát nhau, cần có khoảng trống để đảm bảo lưu thông không khí tốt hơn và làm mát tối ưu.

Không để thức ăn bên ngoài quá hai giờ, vi khuẩn có thể bắt đầu phát triển ngay sau đó.

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Tin mới