Sáng 25/03, Báo Đầu tư tổ chức buổi Tọa đàm thường niên năm thứ 5 với chủ đề: “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia tài chính tiền tệ và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư nhắc lại các vấn đề đã đặt ra tại buổi Toạ đàm về tài chính tiêu dùng thời điểm tháng 5/2020, đồng thời ông Minh khẳng định: “Có những vấn đề mà chúng ta đề cập nhiều năm trước như truyền thông về tài chính tiêu dùng, tỷ lệ an toàn nào là phù hợp trong cơ cấu cho vay tiêu dùng, giải pháp nào để hỗ trợ đẩy lùi tín dụng đen, phương thức thu hồi nợ hợp lý của các công ty tài chính tiêu dùng…, tất cả đến hôm nay đã được hiện thực hóa trong chính sách và thành các chương trình cụ thể trong hành động của cơ quan quản lý”.
Ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc tọa đàm.
Ông Minh cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030. Chiến lược yêu cầu rất rõ nhiệm vụ “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa ‘tín dụng đen’”.
Qua một năm thực hiện, ông Minh nhận định: "Đây là nhiệm vụ và là công việc các tổ chức tín dụng đang thực hiện tích cực nhiều năm qua, và chắc chắn sẽ còn phải thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới"
Theo thống kê, dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đã đạt mức khá cao đạt 1,8 triệu tỷ đồng tới năm 2020, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng thì dư nợ đạt khoảng khoảng 130.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng được phục vụ. Đây là con số ấn tượng với tài chính tiêu dùng còn non trẻ tại Việt Nam.
Đánh giá về sự phát triển của ngành tài chính tiêu dùng, ông Lê Trọng Minh cho biết: “Nhìn lại 1 năm kinh tế Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19, và nhìn dài hơn 10 năm phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng có thể thấy, ngoài những kết quả rất đáng khích lệ đạt được thì vẫn cần phải khẳng định rằng, số lượng các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thịtrường chưa nhiều, tỷ trọng đóng góp trong dư nợ cho vay nền kinh tế vẫn còn thấp, hoạt động nội tại vẫn cần phải hoàn thiện... Điều này nhìn ở góc độ phát triển lại gợi mở cho chúng ta về một tiềm năng thị trường chưa khai thác còn rất lớn, chưa kể tới nhu cầu tài chính cá nhân của người dân sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế phát triển với tốc độ cao”.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Mở đầu tham luận tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất và tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao.
"Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội", đại diện NHNN chia sẻ.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen.
Ngoài ra, NHNN hiện đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tài chính tiêu dùng như: Đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Đề xuất, trình Chính phủ Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech; Nghị định thay thế Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg về hoạt động tài chính vi mô.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).
Đồng thời, NHNN theo thẩm quyền đã ban hành các quy định pháp lý phù hợp đối với các sản phẩm, mô hình, dịch vụ, phương tiện thanh toán mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 như: ngân hàng số, công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số lĩnh vực ngân hàng....
Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ).
NHNN còn triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.
Tuy nhiên, bà Tùng cho biết, qua theo dõi hoạt động cho vay tiêu dùng, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do các nguyên nhân như: quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không đảm bảo; hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt tại các công ty tài chính bộc lộ một số rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu; Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được bổ sung nguồn vốn kịp thời trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn và đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, do chưa có nhiều thông tin về tín dụng ngân hàng nên bị các kênh cho vay không chính thức tiếp cận cho vay với lãi suất cao tạo nhiều tiếng xấu cho ngân hàng.
Để phát huy các kết quả đã đạt được, Bà Tùng nêu ra một số giải pháp mà NHNN đã triển khai đồng bộ để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen như hoàn thiện khung pháp lý, khơi thông dòng vốn ngân hàng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn,…
Tiếp sau phần tham luận của đại diện NHNN, Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tài chính tiêu dùng, xét về lợi ích thì người dân đã có nhu cầu từ rất lâu và lợi ích rất nhiều.
Cách đây 10 năm người dân đủ tiền thì mua còn bây giờ là xu hướng vay rồi mua hoặc thậm chí thuê về dùng. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen thì ông Hiếu cho rằng, tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết, nhiều quốc gia thống kê số liệu này hàng ngày, hàng tuần để điều hành nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất. Song theo ông Hiếu, Nhà nước kiểm soát càng chặt thì hình thức phi chính thức càng phát triển, do đó chỉ cần để thị trường này phát triển tự nhiên theo nhu cầu thị trường là thành công. "Bất kể hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro, Nhà nước không thể can thiệp ngăn chặn rủi ro này", ông Hiếu nhấn mạnh và làm rõ, bên cạnh rủi ro của cá nhân thì còn có rủi ro của tổ chức.
Ông Hiếu cho rằng: “Chính phủ không cần thúc đẩy bất kì điều gì, chỉ cần để thị trường diễn ra tự nhiên”. Từ đó, ông Hiếu chia sẻ 2 kiến nghị:
Thứ nhất, đối với việc bảo vệ người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức người dân là rất quan trọng. Cần phải để người dân gánh chịu rủi ro để tự mình nhận lấy bài học. Chính phủ cần tính đến việc phá sản tư nhân để các khoản nợ được giải quyết.
Thứ hai, bảo vệ tổ chức cho vay. Tranh chấp kéo dài 2-3 năm, nhiều năm hoặc không có cơ hội giải quyết vấn đề sẽ là rào cản lớn. “Cần để thị trường phát triển đúng, thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng và không phải chịu sứ mệnh gì”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen là rất khác nhau, bản chất của 2 sự việc cũng khác nhau về đối tượng đi vay, mục đích đi vay cũng như lãi suất vay. Ông cho rằng sứ mệnh đầu tiên của tín dụng tiêu dùng phải là được quyền phát triển chứ không phải là đẩy lùi tín dụng đen. Nếu gắn tín dụng tiêu dùng với sứ mệnh đẩy lùi tín dụng đen thì vô hình chung Nhà nước sẽ kiểm soát chặt mô hình này, làm cho các tổ chức chính thức gặp thiệt thòi và các tổ chức phi chính thức càng lạm dụng.
Tham gia buổi Tọa đàm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cũng khẳng định vai trò quan trọng của tài chính tiêu dùng trong thúc đẩy tiêu dùng xã hội và đẩy lùi tín dụng đen đồng thời đưa ra đánh giá những tác động của tài chính tiêu dùng đến nền kinh tế hiện nayy. Ông cho rằng, tài chính tiêu dùng đem lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu.
Trích số liệu của ngành ngân hàng, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”. Khi các hộ gia đình và các chủ thể có thể dễ dàng tiếp cận kênh tài chính tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn nhỏ lẻ, sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội…”.
Góp ý giải pháp để ngành tài chính tiêu dùng phát triển, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong điều kiện của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mang công nghệ 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số.
Các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng, có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn thì các công ty tài chính lại chọn phân khúc mà ngân hàng không thể đáp ứng. Với nhóm đối tượng dưới chuẩn, là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.
Về các biện pháp thúc đẩy tài chính tiêu dùng, ông Thịnh cho rằng, tiềm năng phát triển của tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đang được đánh giá có triển vọng hàng đầu trong khu vực để phát triển tài chính tiêu dùng.
Trao đổi tham luận tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia & Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đánh giá hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có thể thấy nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.
Về quy mô thị trường, 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng (TDTD) tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ TDTD cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%), theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản).
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia & Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.
Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng BĐS nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm - là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%). “Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng BĐS nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng hơn 10 năm qua giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân. Đồng thời, thị trường TCTD góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cùng với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện…
Góp ý một số giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, TS. Cấn Văn lực cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Đối với các công ty tài chính, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và xây dựng đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững là những giải pháp mà ông Lực cho rằng cần phải tập trung.
Tham gia vào buổi tham luận, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét trong 10 năm qua, tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều, nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Về quy định pháp luật về cho vay, luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự gần như không có thay đổi, ngoại trừ quy định về lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, số lượng công ty tài chính trong 10 năm qua gần như không thay đổi, nhiều năm gần đây và đến 31/12/2020 vẫn chỉ có 16 công ty tài chính, trong đó nhiều không ty không cho vay tiêu dùng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, tình trạng tín dụng đen (cho vay bất hợp pháp, lãi suất bất hợp pháp và thu hồi nợ bất hợp pháp) không những không suy giảm, mà còn gia tăng một cách càng ngày ngày trầm trọng, với lãi suất thực tế lên đến hàng trăm % mỗi năm.
Là diễn giả đầu tiên chia sẻ trong phần thảo luận, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết, khởi đầu với sản phẩm vay trả góp xe máy, tới nay, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, FE Credit đã mở rộng thêm sản phẩm dịch vụ cho vay tiền mặt. "FE Credit là công ty đầu tiên cho vay tiền mặt, đáp ứng nhiều nhu cầu của người dân", ông nói.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit.
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, cuộc tọa đàm hôm nay đã nhìn lại 10 năm phát triển rực rỡ của thị trường tài chính tiêu dùng, đồng thời thảo luận một phần nhỏ làm sao để nó có sức sống mới hơn, thuận lợi hơn, đóng góp nhiều hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho công chúng. “Chủ đề của buổi Tọa đàm ngày hôm nay là “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”, thể hiện mong muốn của Báo Đầu tư với tư cách tờ báo kinh tế tài chính hàng đầu, là góp một tiếng nói để phát triển các kênh tài chính tiêu dùng chính thức tại Việt Nam”.