Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cử tri còn lo lắng, bức xúc tình trạng cướp giật, tín dụng đen

(VTC News) -

Cử tri và Nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép.

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sáng 25/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri và Nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em còn xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong Nhân dân.

Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri và Nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

"Cử tri và nhân dân mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp; đại biểu được bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước", ông Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo sáng 25/3.

Về kết quả Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Mẫn cho hay cử tri và Nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng.

Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của Nhân dân; công tác nhân sự được thực hiện dân chủ, khách quan, các cán bộ được bầu vào Trung ương tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng phát triển đất nước.

Cử tri và Nhân dân cũng đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, có các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân, đồng thời quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Cử tri và Nhân dân còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất - kinh doanh và đời sống Nhân dân; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao lực lượng công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp về những kết quả trong phòng, chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân đánh giá cao những kết quả toàn diện trong công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả, quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. 

Chuyển 20 vụ có dấu hiệu tội phạm

Trình bày trước Quốc hội báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện Kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, Kiểm toán Nhà nước góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.

Kiểm toán Nhà nước cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị. có 136/786 văn bản được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước.

Xuân Trường

Tin mới