Làng túc cầu vừa trải qua 24h đồng hồ đảo điên. 12 đội bóng lớn, gồm Manchester United, Manchester City, Chelsea, Arsenal, Tottenham, Liverpool, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Juventus, AC Milan, Inter tuyên bố rời Champions League để thành lập European Super League, giải đấu tách biệt với hệ thống bóng đá truyền thống châu Âu.
Không còn là lời dọa nạt đơn thuần. Tối 19/4, các đội bóng dự Super League đồng loạt rời khỏi Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA). Ông Andrea Agnelli, chủ tịch Juventus, cũng rút khỏi ghế chủ tịch hiệp hội. Hội đồng Super League được thành lập, với người đứng đầu là chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid. Dự án Super League đã thành hình và có thể hoạt động ngay trong tháng 8 năm nay.
Super League có thể đẩy bóng đá châu Âu vào bi kịch.
Giải đấu tuyệt đỉnh
Theo công bố của ban điều hành, vừa được thành lập với sự hiện diện của Perez cùng Phó Chủ tịch Ed Woodward (Man Utd), ông chủ John Henry (Liverpool) và chủ tịch Stan Kroenke (Arsenal), Super League sẽ bao gồm 12 đội bóng (đã cam kết tham dự), 3 đội bóng khách mời và thêm 5 đội đến từ các giải VĐQG khác ở châu Âu.
Giải đấu sẽ chia thành 2 bảng, mỗi bảng 10 đội, đá thể thức vòng tròn. 3 đội dẫn đầu mỗi bảng có mặt tại tứ kết, các đội xếp thứ 4 và 5 đá play-off để tranh 2 tấm vé còn lại.
Với thể thức của Super League, các đội đá nhiều trận hơn (9 trận vòng bảng, 2 trận tứ kết, 2 trận bán kết, 1 trận chung kết) so với Champions League truyền thống. Tuy nhiên, tiền thưởng từ Super League hấp dẫn hơn nhiều so với bất cứ giải đấu nào ở châu Âu.
Điểm mấu chốt của Super League là các CLB tự tìm kiếm, huy động dòng tiền và ăn chia lợi nhuận, thay vì phải san sẻ "miếng bánh" cho các đội bóng yếu hơn cùng UEFA - tổ chức không còn được tin tưởng ở sự minh bạch.
Các CLB có thể kiếm bộn tiền từ Super League nhờ không phải ăn chia quyền lợi với UEFA và các đội bóng nhỏ.
Theo chủ tịch Perez của Super League, giải đấu này là cứu cánh của bóng đá thế giới bởi danh tiếng, độ hấp dẫn cũng như khoản tiền bạc tương xứng với giá trị thương hiệu của các CLB.
Do đó, 12 đội bóng dự Super League mong muốn loại bỏ vai trò điều hành của UEFA, xóa bỏ các đội nhỏ để tự chia nhau lợi nhuận thương quyền. Dịch COVID-19 khiến các CLB kinh doanh thua lỗ và rơi vào cảnh nợ nần lên tới hàng tỷ euro, tuy nhiên, thể thức hiện tại và thể thức mới của Champions League không mang lại khoản lợi nhuận mà các đội lớn ở châu Âu xem là tương xứng.
"Super League không phải chỉ dành riêng cho những đội bóng giàu, nhưng nó sẽ cứu thế giới bóng đá. Nếu tình trạng hiện tại cứ tiếp diễn, bóng đá sẽ biến mất và đến năm 2024, chúng ta sẽ không còn nữa. Đây là cách để cứu sống tất cả CLB, từ lớn đến nhỏ.
Những CLB lớn tại Tây Ban Nha, Italy, và Anh đang muốn tìm kiếm một giải pháp để thoát khỏi tình cảnh tồi tệ về tài chính. Cách duy nhất là phải được chơi nhiều trận đấu mang tính cạnh tranh hơn. Thay vì thi đấu tại Champions League, Super League giúp các CLB phục hồi nhanh hơn.
Tại Real, chúng tôi đang bị tổn thất rất nặng về tài chính, chúng tôi sẽ lâm vào hoàn cảnh rất tệ. Khi không thể kiếm lợi nhuận từ nguồn nào, thì cách duy nhất là tạo ra sân chơi giàu tính cạnh tranh xuyên suốt các tuần lễ. Super League sẽ đem lại lợi ích tài chính cho các đội bóng tham dự.
Perez muốn thực hiện cuộc cách mạng.
Bóng đá giống cuộc sống vậy, có những lúc cần thay đổi, hay nói cách khác là tiến hóa, thích nghi với thời đại chúng ta đang sống. Bóng đá đang mất đi sự hấp dẫn, bản quyền truyền hình đang dần giảm đi. Bóng đá cần thay đổi để hấp dẫn hơn đối với toàn cầu", Perez nhấn mạnh.
Những kẻ hám tiền
Tiền bạc là một trong những yếu tố được Perez nhắc tới nhiều nhất trong buổi trả lời phỏng vấn El Chiringuito về Super League. Ông trùm xây dựng Tây Ban Nha không giấu diếm điều này. Tiền bạc cũng là động lực cho những cải tổ lớn nhất lịch sử bóng đá trong 20, 30 năm qua. Sự ra đời của Ngoại hạng Anh là một ví dụ.
Bóng đá không còn đơn thuần là sản phẩm văn hóa, thể thao, mà đã tiến hóa thành ngành công nghiệp giải trí. Các đội bóng tìm các bán sản phẩm bóng đá (và liên quan tới bóng đá) bằng nhiều cách để thu lại lợi nhuận tối đa.
Mỗi đội bóng dự Super League sẽ nhận ngay 300 đến 350 triệu euro chảy vào tài khoản, sau đó nhận thêm tiền dựa vào thành tích thi đấu. JP Morgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, cam kết đầu tư 6 tỷ euro cho Super League.
Super League sẽ tìm kiếm các đối tác bán bản quyền truyền hình, dự kiến một đối tác đã cam kết trả 3,5 tỷ euro để đổi lấy quyền phát sóng Super League. Dòng tiền sẽ chảy từ Champions League, nơi không còn sự góp mặt của các đội mạnh, vào túi của Super League.
Ed Woodward và ban điều hành Super League muốn đạp bỏ truyền thống để thu lại lợi nhuận tối đa.
Super League sẽ không có lên - xuống hạng, mà hoạt động theo mô hình khép kín như giải Nhà nghề Mỹ (MLS), với mục đích tối đa hóa doanh thu, miễn sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Theo Marc Edelman, Giáo sư Luật tại Trường kinh doanh Zicklin thuộc Đại học Thành phố New York, Super League là hiện thân cho mô hình thể thao sinh lợi của Mỹ.
"Các môn thể thao chuyên nghiệp đã trở thành ngành kinh doanh lớn ở Mỹ và châu Âu từ hàng trăm năm trước. Nhưng trong thời gian đó, mô hình nền tảng của thể thao Mỹ và châu Âu đã đi theo hai con đường khác biệt.
Các giải đấu chuyên nghiệp ở Mỹ phát triển thành hệ thống khép kín, trong đó các đội sẽ vẫn là thành viên của giải đấu bất chấp màn trình diễn trên sân cỏ ra sao. Ngược lại, châu Âu sử dụng mô hình hệ thống mở trong đó những đội có thành tích tốt nhất sẽ lên hạng và kém nhất bị xuống hạng.
Dù mô hình châu Âu này có thể lan tỏa đến người hâm mộ ở nhiều thị trường hơn nhưng mô hình Mỹ mang tới lợi thế đáng kể về kinh doanh cho các ông chủ đội bóng. Ví dụ, việc chắc chắn ở lại một giải đấu sẽ là động lực thúc đẩy các CLB quảng bá và phát triển thương hiệu.
Ngoài ra, cấu trúc mô hình hệ thống khép kín giúp các ông chủ đội bóng sử dụng việc khan hiếm các đội bóng để gây áp lực cho chính quyền thành phố xây dựng các cơ sở hạ tầng công cộng và cho phép họ bán các đội mới với giá cao", Edelman phân tích.
MLS là sản phẩm tiêu biểu cho mô hình kinh doanh thể thao kiểu Mỹ.
Mục đích tiền bạc của Super League càng có cơ sở, khi đứng sau chủ tịch Perez là 3 ông chủ người Mỹ của Liverpool, Man Utd và Arsenal, những người sẵn sàng đạp bỏ lề thói, truyền thống để đạt được lợi ích tiền bạc, và cũng không lạ lẫm với các mô hình thể thao đậm chất giải trí và kiếm tiền tốt ở Mỹ như NBA, MLS.
Cái giá để trả cho tiền bạc, chính là truyền thống bóng đá. "Được tạo ra bởi người giàu và đánh cắp bởi người nghèo" là khẩu hiệu được các CĐV giăng ra trước sân bóng của các đội dự Super League. "Bóng đá thế giới sẽ không bao giờ được như trước", một CĐV khẳng định.
Super League là viên đạn pháo bắn thẳng vào thành trì truyền thống của bóng đá châu Âu. Bóng đá ở lục địa già là sản phẩm gắn kết cộng đồng, được yêu mến, ngưỡng mộ như một tôn giáo và liên hệ mật thiết với tầng lớp trung lưu hoặc thấp hơn.
CĐV phản đối Super League.
Vẻ đẹp của bóng đá nằm ở những giá trị phi vật chất, nhưng khi các CLB quy đổi mọi thứ sang tiền bạc, làn sóng phẫn nộ là khó tránh khỏi.
Khán giả có thể được chứng kiến nhiều trận đấu hấp dẫn hơn. Man Utd đọ sức Real, Chelsea gặp Barcelona hay Liverpool đọ sức Juventus mỗi tuần là giấc mơ với nhiều CĐV. Tuy nhiên, phần còn lại nằm ngoài Super League có thể bị hủy hoại khi thiếu vắng danh tiếng của các CLB này.
Bóng đá châu Âu, chủ yếu là các CLB vừa và nhỏ, có nguy cơ sụp đổ vì tham vọng tiền bạc của các CLB lớn. Khi Super League đi vào hoạt động, lịch sử bóng đá sẽ được lật sang trang mới.