Military Watch trích dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước Nga cho biết, các phương tiện bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ đã được phát triển để trang bị và hoạt động cùng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57.
"Các UAV mini được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau đã được tạo ra cho Su-57, chiếc máy bay thế hệ thứ năm này sẽ có thể mang những chiếc UAV trên giá treo bên ngoài và bên trong thân máy bay rồi thả chúng từ trên không. Theo kế hoạch, Su-57 sẽ phóng những chiếc máy bay không người lái cùng một lúc và điều khiển nhóm máy bay này thực hiện các nhiệm vụ”, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin trên cũng tiết lộ thêm rằng, các máy bay không người lái nhỏ sẽ có thể thực hiện các cuộc không kích, tiến hành tác chiến điện tử và trinh sát, đồng thời sẽ được các đơn vị Su-57 thả thành từng nhóm để xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương.
Chiến thuật này được cho là sẽ phát huy được tối đa khả năng tàng hình và độ bền cao của Su-57. Bởi mỗi máy bay chiến đấu Su-57 có thể mang theo một số lượng lớn những chiếc UAV nhỏ và vận chuyển chúng đến những địa điểm rất xa, một điều quan trọng nữa là Su-57 không phải trực tiếp tác chiến trong khu vực nguy hiểm.
Không quân Nga dự kiến sẽ thành lập phi đội Su-57 sẵn sàng chiến đấu đầu tiên vào năm 2024, dựa trên cơ sở tốc độ sản xuất chiếc máy bay này đã tăng gấp đôi vào năm 2023, lên khoảng 12 khung máy bay mỗi năm.
Chiến đấu cơ Su-57 của Nga.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, vẫn chưa thể khẳng định được những chiếc máy bay không người lái do Su-57 mang theo sẽ là tài sản kiểu “kamikaze” - sử dụng một lần, hay chúng được thiết kế để có thể quay trở lại căn cứ để thực hiện các hoạt động tiếp theo.
Phục vụ như một “tàu sân bay trên không” sẽ khiến Su-57 trở nên hoàn toàn độc đáo trong số các máy bay chiến đấu trên toàn thế giới hiện nay. Mặc dù, trước đó quân đội Mỹ cũng đã từng đề xuất nhiều lần ý tưởng tương tự, bằng việc sửa đổi các máy bay vận tải như C-130 để có thể phóng máy bay không người lái từ trên không.
So với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc và Mỹ thì khả năng tàng hình của Su-57 bị đánh giá là hạn chế hơn. Điều này buộc các kỹ sư Nga phải chú trọng hơn vào việc trang bị các loại vũ khí tấn công ngoài tầm nhìn cho Su-57, để hạn chế việc máy bay phải hoạt động quá xa bên ngoài sự bảo vệ của không quân Nga.
Việc trang bị máy bay không người lái để chế áp hệ thống phòng không của đối phương được xem là bước phát triển mới nhất trong công nghệ hàng không quân sự. Giải pháp này giúp tăng cường đáng kể khả năng chế áp phòng không của các đơn vị Su-57, đồng thời giúp giảm rủi ro trong quá trình hoạt động cho chính máy bay.
Một ví dụ đáng chú ý khác là việc tích hợp tên lửa R-37M vào máy bay chiến đấu Su-57. Điều này cho phép Su-57 tấn công máy bay địch trong phạm vi giao chiến lên tới 400km, gấp đôi các lớp máy bay chiến đấu phương Tây hiện tại.
Các nhà quan sát quân sự cho biết, Su-57 đã được Nga triển khai tham chiến trong chiến dịch quân sự đặc biệt từ tháng 3/2022 với nhiều vai trò, bao gồm cả tấn công, chế áp phòng không, hỗ trợ tác chiến điện tử và thậm chí là không chiến ngoài tầm nhìn.
Su-57 mang theo tên lửa R-37M.
Các hoạt động ở Ukraine đã giúp cho Không quân Nga trở thành lực lượng duy nhất trên thế giới có kinh nghiệm thực tế trong việc vận hành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trong chiến đấu cường độ cao.
Khả năng hoạt động như một “tàu sân bay trên không” là tính năng mới nhất trong hàng loạt tính năng mới được công bố của Su-57. Trước đó vào tháng 8/2023, một báo cáo cho biết Su-57 đã được trang bị hệ thống thông tin liên lạc và liên kết dữ liệu mới được bảo mật bởi trí tuệ nhân tạo, ngoài ra còn có công nghệ kính lửa hấp thụ radar cũng đã được báo cáo trong nửa đầu năm nay.
Vào tuần đầu tiên của tháng 11/2023, một số nguồn tin cho biết Su-57 đã được tích hợp một loại tên lửa hành trình tránh radar mới dựa trên thiết kế của tên lửa Kh-101/102. Loại tên lửa mới có kích thước nhỏ gọn hơn nhưng cung cấp phạm vi tác chiến lên tới 3.500km, nó còn có thể mang cả đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường.