Quân đội Nga có thể chấp nhận rủi ro khi triển khai các căn cứ trực thăng chỉ cách biên giới Ukraine 6km và cách các vị trí tiền tuyến chỉ khoảng 75km vì họ biết người Ukraine sẽ không thể tấn công vào các căn cứ này.
Theo trang tin Defense Express của Ukraine, một trong những mối đe dọa đáng kể mà lực lượng phòng vệ Ukraine đang phải đối mặt là trực thăng tấn công của Nga, đặc biệt là Ka-52 và Mi-28.
Để chống lại mối đe dọa này, Ukraine cần phải tăng cường lực lượng phòng không trên mặt đất, sự yểm trợ của lực lượng không quân và tiến hành các cuộc tấn công có hệ thống vào các căn cứ không quân của Nga.
Sau cuộc tấn công thành công của tên lửa ATACMS vào các sân bay trực thăng của Nga ở khu vực Berdiansk và Lugansk, tuy tình hình đã được cải thiện nhưng được cho là không đủ để buộc phía Nga thay đổi chiến thuật.
Tên lửa ATACMS.
Đánh giá này được rút ra từ những phân tích dựa trên các hình ảnh vệ tinh của các chuyên gia phương Tây. Các sân bay trực thăng của Nga hiện vẫn nằm cách tiền tuyến chỉ một chuyến bay, bao gồm các địa điểm ở Taganrog và Zernograd (vùng Rostov), Buturlinovka (vùng Voronezh), Rovenki (vùng Belgorod) và Kirovke (Crimea).
Theo Defense Express, ngoài những căn cứ không quân được các chuyên gia quân sự quan sát nêu trên. Nga còn có một số căn cứ trực thăng khác, các máy bay trực thăng của quân đội Nga vẫn có thể sử dụng và tiếp nhiên liệu cho các nhiệm vụ chiến đấu tấn công lực lượng Ukraine.
Thông qua các hình ảnh thu được cho thấy trực thăng tấn công của Nga vẫn được triển khai tại căn cứ không quân ở Dzhankoi (bán đảo Crimea), Belgorod và Valuyki…
Các chuyên gia phương Tây cho rằng, sau các cuộc tấn công lớn của Ukarine bằng vũ khí mới, tầm bắn xa hơn thì một số sân bay trong số đó có thể không còn được sử dụng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rõ ràng rằng, tên lửa tấn công tầm ngắn ATACMS cũng không phải là giải pháp tối ưu mà Ukraine cần để vô hiệu hóa các máy bay trực thăng của Nga trên mặt đất.
Để có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu của Nga, quân đội Ukraine đã yêu cầu phương Tây viện trợ ATACMS, phiên bản M39A1 với tầm bắn 300km, tuy nhiên hiện nay Mỹ mới cung cấp cho Kiev tên lửa M39 có tầm bắn 165km.
Các giới hạn đặc điểm kỹ thuật của tên lửa chỉ là một phần của vấn đề. Trong số các căn cứ không quân được nêu trên, chỉ có căn cứ Kirovske nằm ở bán đảo Crimea, cách tiền tuyến khoảng 230km là khu vực mà Ukraine có quyền tấn công và Nga chỉ triển khai 6 chiếc trực thăng ở đây.
Trực thăng Nga tại một sân bay gần biên giới Ukraine.
Trong khi các sân bay trực thăng còn lại được đề cập đều nằm trong lãnh thổ Liên bang Nga. Trên thực tế các sân bay này được bảo vệ bởi điều kiện ràng buộc mà phương Tây áp đặt trước khi chuyển giao vũ khí tầm xa cho Ukraine, đó là: không được sử dụng vũ khí của phương Tây tấn công vào lãnh thổ của Nga.
Cũng chính vì điều kiện trên mà cho đến nay, Ukraine cũng mới chỉ sử dụng tên lửa ATACMS tấn công vào căn cứ trực thăng Berdinask của Nga ở tỉnh Zaporizhia - miền đông Nam Ukraine do Moskva kiểm soát vào ngày 17/10.
Đó là lý do tại sao các chuyên gia dự đoán rằng Nga có thể triển khai thêm một số máy bay trực thăng tấn công sẵn sàng chiến đấu ở vùng Rovenki, Belgorod, chỉ cách biên giới Ukraine 6km và cách tiền tuyến chỉ 75km.
Qua phân tích hình ảnh cho thấy Nga đang duy trì ít nhất 25 máy bay trực thăng tấn công Ka-52 tại các căn cứ không quân này, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều.