Người đàn ông 56 tuổi (quê Hải Dương) vào viện trong tình trạng khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, phụ thuộc thuốc vận mạch, đau quặn bụng quanh rốn, sốt sau khi ăn món bánh cuốn.
Ông được chẩn đoán nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (hay còn gọi là sốc nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hóa), tổn thương thận cấp.
TS.BS Nguyễn Trọng Thế, Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân được điều trị hồi sức chống sốc, kháng sinh, cân bằng điện giải kiềm toan, dinh dưỡng tích cực. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân vừa được xuất viện khỏe mạnh.
Nhiễm độc thức ăn nếu vào viện muộn sẽ rất nguy hiểm. Thực tế, có những trường hợp chủ quan, vào viện trong tình trạng suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ người bệnh ngộ độc thức ăn. (Ảnh: BVCC)
Chuyên gia lưu ý, khi bị nhiễm khuẩn, đường tiêu hóa thường xuất hiện các triệu chứng sau khi ăn khoảng 6 giờ - 24 giờ, bao gồm đi ngoài phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón, buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc chướng bụng, cảm giác buồn ăn nhưng không ngon miệng, sốt, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, mất nước và điện giải, vã mồ hôi.
Khi xuất hiện các triệu chứng này cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Trong mùa hè, nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa xảy ra nhiều hơn. Vì thế, cần chú ý trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn, tránh sử dụng các loại thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc, rửa tay với xà phòng thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.