Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sổ đỏ bị người thân mang đi cầm cố, xử lý thế nào?

Sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý nên không thể cầm cố.

Một độc giả của VOV gửi câu hỏi như sau: Gia đình em có một miếng đất diện tích 240m2, sổ đỏ do mình bố em đứng tên. Anh trai em do làm ăn thua lỗ đã lén lấy sổ đỏ đi cầm cố cho một người hành nghề cầm đồ.

Em đã thay mặt bố em liên hệ với người cầm đồ để chuộc sổ đỏ về, nhưng em lại không đủ tiền trả cho người cầm đồ. Người cầm đồ nói, nếu không đủ tiền chuộc thì khi hết hạn trả tiền vay, họ sẽ mang quyển sổ đỏ nhà em đi cầm cố chỗ khác để họ thu tiền về và lúc đó, gia đình em phải làm việc với chỗ cầm cố mới để giải quyết.

Bố em đang tính làm đơn báo mất sổ đỏ để làm lại sổ đỏ khác. Xin hỏi, bố em làm lại sổ đỏ thì có được không và tốn nhiều tiền không? Người cầm cố sổ đỏ nhà em có quyền chuyển sổ đỏ của nhà em cho người khác cầm cố tiếp không?

Sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý. (Ảnh: KT)

Về câu hỏi của độc giả, Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) tư vấn như sau:

Thứ nhất: Việc anh trai cầm cố sỏ đỏ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu là giao dịch dân sự vô hiệu.

Theo quy định tại Điều 128 BLDS 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội:

“Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu…”

Giao dịch dân sự vô hiệu sẽ làm phát sinh hậu quả pháp lý theo quy định tại điều 137 của BLDS 2005 :

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”

Mặt khác, theo quy định của pháp luật về đất đai cũng như Bộ luật Dân sự không có quy định nào cho người sử dụng đất có quyền “Cầm cố quyền sử dụng đất”. Do đó không thể mang GCNQSDĐ (sổ đỏ) để thực hiện hợp đồng cầm cố được. Do đó nếu có tranh chấp từ hợp đồng cầm cố này thì pháp luật không bảo vệ bên nhận cầm cố. Trong trường hợp này sẽ giải quyết theo giao dịch dân sự vô hiệu, tức là các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. 

Nếu các bên không tự nguyện giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là trả lại cho nhau những gì đã nhận thì gia đình bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Từ đó buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ này.

Về việc người cầm đồ nói sẽ đem sổ đỏ của gia đình bạn đi cầm cố cho một đối tượng khác thì người cầm đồ này không có quyền thực hiện giao dịch trên. Và nếu giao dịch này được thực hiện trên thực tế thì cũng sẽ không có giá trị pháp lý vì vi phạm điều cấm của pháp luật và các quy định khác về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Thứ hai: Vấn đề cấp lại giấy chứng nhận quyền sự dụng đất bị mất

Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi bị mất sổ đỏ, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.

- Hộ gia đình, cá nhân có sổ đỏ bị mất phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về việc bị mất sổ đỏ.

- Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất sổ đỏ.

- Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, hộ gia đình, cá nhân bị mất sổ đỏ nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ.

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấp lại sổ đỏ khi sổ đỏ bị đem cầm cố, thế chấp. Vì vậy, gia đình bạn không thể đăng ký mất sổ đỏ để làm lại sổ đỏ khác.

CTV Vững Nguyễn (VOV.VN)

Tin mới