Câu hỏi:
Chồng tôi không may qua đời vì tai nạn giao thông. Chồng tôi đang đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Con tôi hiện mới 2 tuổi. Tôi có thể sang tên GCNQSDĐ từ chồng qua tôi được không?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Trước hết cần xác định GCNQSDĐ đứng tên chồng là tài sản riêng của chồng hay là tài sản chung của vợ chồng.
Trường hợp thứ nhất: Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của chồng.
+ Khi chồng bạn qua đời do tai nạn giao thông nếu trước khi mất, chồng bạn có để lại di chúc thì những người thừa hưởng di sản do chồng bạn để lại sẽ được hưởng di sản do người chết để lại. Nếu con của bạn không được chồng bạn cho hưởng di sản trong di chúc hoặc cho hưởng ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, con của bạn vẫn được hưởng di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015.
+ Nếu chồng bạn không để lại di chúc hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản quyền sử dụng đất sẽ được thừa kế theo pháp luật.
Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Như vậy, trước hết bạn và con bạn là người thuộc trường hợp ở hàng thừa kế thứ nhất được thừa hưởng di sản thừa kế của chồng bạn để lại.
Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015: “Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện”. Như vậy, con của bạn chỉ mới 2 tuổi là người chưa thành niên nhận di sản thừa kế, việc sử dụng di sản thừa kế sẽ thông qua người giám hộ.
Trường hợp thứ hai: Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng bạn.
Nếu quyền sử dụng đất là tài chung của bạn và chồng bạn thì giá trị 1/2 trên quyền sử dụng đất là tài sản của bạn. Còn 1/2 giá trị quyền sử dụng đất còn lại là tài sản của chồng bạn và phần tài sản của chồng bạn sẽ được thực hiện chia thừa kế như trường hợp thứ nhất. Căn cứ để xác định là tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Như vậy, sau khi chồng bạn qua đời, bạn cần xác định chồng bạn có để lại di chúc không, nếu có thì ai là người hưởng di sản trong di chúc mà chồng bạn để lại hoặc trường hợp thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất ngoài bạn và con của bạn, còn có cha đẻ, mẹ đẻ của chồng bạn (nếu họ còn sống) hoặc cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi (nếu có).
Sau khi bạn thực hiện xong các thủ tục về thừa kế mới xác định được việc bạn có được sang tên GCNQSDĐ từ chồng bạn qua bạn không.
Luật sư Trần Công Tú - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ