Câu hỏi:
Mấy năm trước tôi có bán chiếc 1 xe máy và 1 chiếc ô tô cho người bạn ở gần nhà nhưng không sang tên, đổi chủ. Sau đó, người đó bán nhà chuyển đi nơi khác. Do sợ gặp phải những rắc rối về sau, tôi đi tìm người hàng xóm đó để yêu cầu sang tên nhưng không tìm được. Xin hỏi, tôi phải làm gì để không gặp họa về sau vì không sang tên chiếc xe đã bán?
Ảnh minh họa.
Trả lời:
Theo luật sư Trần Công Tú, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ ô tô, mô tô, xe máy… là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Do đó, việc mua bán các loại xe có đăng ký quyền sở hữu phải thực hiện thủ tục sang tên theo quy định.
Nếu người bán xe không làm thủ tục sang tên cho người mua thì có thể đối mặt với nhiều rủi ro nếu phương tiện đã bán đó gây tai nạn hoặc bị người mua thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác như: Vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, sử dụng để gây án… người bán chắc chắn sẽ bị triệu tập làm việc theo quy định.
Thời điểm bên bán chịu rủi ro: Theo quy định tại khoản 2, Điều 441 Bộ luật Dân sự 2015, đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu, bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, thời điểm người bán xe chịu rủi ro là thời điểm kể từ lúc thực hiện hợp đồng mua bán xe cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên cho người mua và sẽ không chịu rủi ro kể từ thời điểm người mua hoàn thành thủ tục đăng ký. Do đó, nếu xe đã bán mà chưa sang tên cho người mua, người bán có thể chịu trách nhiệm bồi thường nếu xe đó gây thiệt hại.
Nhằm tránh rủi ro pháp lý sau này, nếu xe đã bán rồi nhưng không tìm được người mua ở đâu để sang tên, người bán xe cần phải thông báo với cơ quan công an nơi đăng ký xe về việc đã chuyển nhượng xe cho người mua, đồng thời cung cấp các giấy tờ cần thiết để chứng minh xe không thuộc sở hữu của mình mà thuộc sở hữu của người khác như: Hợp đồng mua bán xe hoặc hợp đồng tặng, cho.