Tổng thống Síp Nikos Christodoulidis mới đây cho biết, khu vực đông Địa Trung Hải có thể đáp ứng khoảng 15%-16% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) trong 25 năm tới.
“Điểm yếu lớn nhất của châu Âu hiện nay… là sự phụ thuộc năng lượng vào khí đốt của Nga. Khu vực đông Địa Trung Hải chắc chắn không thể thay thế khí đốt của Nga. Khó có thể thay thế toàn bộ khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng chắc chắn có thể giảm thiểu sự phụ thuộc của EU", Tổng thống Síp Nikos Christodoulidis nói.
EU tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga. (Ảnh: EPA)
Theo Tổng thống Nikos Christodoulidis, EU đã chú trọng đầu tư vào đông Địa Trung Hải song nhấn mạnh cần "hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật và tài chính... để có thể khai thác tiềm năng của khu vực này".
Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) là đường ống duy nhất cung cấp khí đốt của Nga cho các quốc gia Tây và Trung Âu, tuy nhiên, đường ống này dừng hoạt động vào tháng 9 năm ngoái. Bên cạnh đó, Nga cũng cung cấp nhiên liệu cho các nước Nam và Đông Nam châu Âu thông qua đường ống TurkStream và Blue Stream.
Đầu tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm 80% trong 8 tháng và khu vực này hiện phụ thuộc vào các mỏ khí đốt của Na Uy, cũng như nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để đáp ứng nhu cầu của khối.
EU vừa ra mắt cơ chế mua chung khí đốt. Theo đó, các quốc gia thành viên của EU có thể chuyển sang mua khí đốt chung. Các công ty năng lượng từ khắp khối có thể đăng ký nhu cầu thông qua cơ chế AggregateEU.
Biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lặp lại của đợt tăng giá năm ngoái do cạnh tranh nguồn cung giữa các nước EU, sau khi khối này quyết định từ bỏ nhập khẩu khí đốt Nga.
Cơ quan hành pháp của EU tin rằng công cụ mới này sẽ giúp khối nạp đầy dự trữ khí đốt cho mùa đông tới kịp thời, sử dụng sức mạnh thị trường tập thể để đàm phán giá tốt hơn với các nhà cung cấp quốc tế.