“Chính quyền quân sự Myanmar hôm 5/2 ra lệnh cho các nhà khai thác di động và nhà cung cấp dịch vụ internet chặn quyền truy cập vào Twitter và Instagram ở nước này cho đến khi có thông báo mới”, hãng viễn thông Na Uy Telenor cho biết.
Trước đó, Chính phủ Myanmar yêu cầu các các nhà cung cấp internet chặn quyền truy cập Facebook của người dân cho đến ngày 7/2. Một nửa dân số Myanmar có đăng ký tài khoản Facebook. Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cho biết, quyết định chặn Facebook là vì lý do đảm bảo “ổn định”.
Chính quyền quân đội Myanmar ra lệnh chặn Twitter và Instagram. (Ảnh: Reuters)
Sau khi Facebook bị chặn, nhiều người Myanmar chuyển sang sử dụng Twitter để đăng nội dung phản đối việc quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực, kêu gọi biểu tình.
Người phát ngôn Twitter cho biết, công ty này bày tỏ "quan ngại sâu sắc về lệnh chặn các dịch vụ Internet của Myanmar" và sẽ vận động để chấm dứt điều này.
“Nó làm suy yếu nền tảng trò chuyện công khai và quyền của mọi người để nói lên tiếng nói của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để chấm dứt việc đóng cửa phá hoại của chính quyền Myanmar”, phát ngôn viên Twitter cho hay.
Bên cạnh đó, người phát ngôn của Facebook cũng xác nhận, mạng xã hội Instagram bị Myanmar chặn và "kêu gọi giới chức khôi phục kết nối để mọi người Myanmar có thể liên lạc với gia đình, bạn bè và truy cập các thông tin quan trọng".
Quyết định chặn mạng xã hội được chính quyền quân đội Myanmar đưa ra sau khi bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền. Những người này bị bắt với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Trước diễn biến tình hình ở Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại, kêu gọi chính quyền quân đội thả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người bị bắt giữ. Hội đồng Bảo an nhấn mạnh sự cần thiết duy trì các thể chế và tiến trình dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền ở Myanmar