Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sau Brexit, EU sẽ đối mặt với những chia rẽ mới?

Các vấn đề quan trọng nhất đối với châu Âu ngày càng khó giải quyết do có sự bất đồng sâu sắc của các thành viên nội khối.

Chiến thắng của ông Boris Johnson trong cuộc tổng tuyển cử và khả năng Anh rời khỏi EU vào tháng tới sẽ là cứu cánh cho chính phủ của hầu hết các nước châu Âu, bởi từ giờ họ sẽ có thể tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn của Liên minh châu Âu - tờ Wall Street Journal bình luận. Ngoài ra, theo ấn phẩm này, Brexit trở thành khoảng khắc đoàn kết hiếm hoi đối với 27 thành viên của khối châu Âu, và cuộc sống sau Brexit có thể sẽ phơi bày những chia rẽ sâu xa giữa họ.

Trong tiến trình đàm phán về việc chia tay với Anh, lợi ích chung của các thành viên EU khiến họ có một quan điểm thống nhất trong các vấn đề như bảo vệ công dân châu Âu tại Vương quốc Anh. Sự giao tiếp trong tương lai của các nước châu Âu với Vương quốc Anh, nơi sẽ thảo luận về các điều kiện tiếp cận thị trường và quyền của các tàu châu Âu được đánh bắt cá ở vùng biển của Anh, hứa hẹn sẽ phức tạp hơn nhiều.

Mặc dù lãnh đạo của các nước châu Âu trong nhiều tháng vẫn nhắc đi nhắc lại về mong muốn khép lại Brexit càng sớm càng tốt để Liên minh châu Âu có thể tập trung cho tương lai. Tuy nhiên, kể từ tháng 10, khi có thỏa thuận sơ bộ về Brexit, tâm trạng của người châu Âu lại trở nên ảm đạm đáng kể - tác giả của bài báo nhận định.

 Sau Brexit, EU sẽ đối mặt với sự chia rẽ mới. (Ảnh: Reuters)

Ví dụ, quan hệ giữa Pháp và Đức, những nước mà chính sách phối hợp của họ là động lực chính cho sự thống nhất châu Âu trong 70 năm qua, đang xấu đi. Người đứng đầu nước Pháp, ông Emmanuel Macron, chia rẽ khối với những lời chỉ trích về NATO, nỗ lực tái lập quan hệ với Matxcơva và quyền phủ quyết gần đây về việc mở rộng EU sang các nước Balkan.

Trong khi đó, bà Angela Merkel, người đứng đầu chính phủ mà gần như không có động thái nào khi đối mặt với xung đột chính trị nội khối, lại đang bày tỏ lo ngại về việc Anh chuyển từ nền kinh tế lớn thứ hai của EU thành đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, ngày nay, khi các nhà lãnh đạo châu Âu tranh luận sôi nổi về việc thông qua ngân sách khối tiếp theo trong vài năm, chính phủ của nhiều quốc gia lại đang rơi vào tình trạng chia rẽ nội bộ hoặc không thể duy trì đa số nghị viện. Điều này cũng không góp phần duy trì sự thống nhất của khối.

Theo tác giả bài báo, EU hiện không còn lo sợ cho tương lai của mình như hồi năm 2016, thời kỳ trỗi dậy của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu. Ngày nay, mối quan tâm chính là sự bất lực của các thành viên để đạt được sự đồng thuận ngay cả đối với các vấn đề nhỏ.

Sức mạnh mềm” của Liên minh châu Âu, theo truyền thống, được xây dựng dựa trên các khuyến khích kinh tế để thúc đẩy các giá trị dân chủ - tác giả của bài báo lưu ý. Tuy nhiên, nếu như trong thời đại toàn cầu hóa, cách tiếp cận thống nhất tất cả các quy tắc và hiểu rằng sự thỏa hiệp có lợi cho tất cả mọi người đã phát triển, thì ngày nay châu Âu có vẻ bối rối trước chính sách mới của các cường quốc và sự bất hòa nội bộ, khi các giá trị tự do bị tấn công công khai ngay cả ở các nước EU – như ở Ba Lan và Hungary.

Các quy định của EU về di cư cũng là chủ đề của sự bất đồng và tranh luận sâu sắc trong nhiều năm. Vấn đề liên quan đến sự có mặt tại châu Âu những người tị nạn từ các khu vực có tình trạng bất ổn, cũng như sự phân phối giữa các nước châu Âu. Các vấn đề như hội nhập kinh tế và tài khóa của các nước EU, mối quan hệ với Mỹ trong lĩnh vực an ninh, cũng gây tranh cãi không kém.

Tờ báo lưu ý, sự vắng mặt của Vương quốc Anh chắc chắn sẽ khiến việc giải quyết các vấn đề quan trọng đối với khối gặp khó khăn. Trong thời gian là thành viên của Liên minh châu Âu, quốc gia này luôn thúc đẩy các ý tưởng về thương mại tự do. EU được mở rộng và quan hệ với Washington được thắt chặt. Ngoài ra, Brexit sẽ để lại một khoảng trống 84 tỷ euro trong ngân sách của Liên minh châu Âu, và một cuộc cãi vã sau khi Vương quốc Anh rời khỏi khối sẽ mở ra để tìm người lấp đầy khoảng trống này.

Mặc dù, mối bất hòa giữa Đức và Pháp, từ quan điểm về tương lai của EU, đang gây ra mối quan tâm lớn, nhưng đó chỉ là một sự “vấp váp”, chứ không phải là đổ vỡ quan hệ - tờ báo cho biết. Hơn nữa, trong hơn 60 năm tồn tại, Liên minh châu Âu cũng không ít lần trải qua những thăng trầm.

Một nhóm các nhà lãnh đạo mới đã lên nắm quyền ở Brussels. Họ đặt ra nhiệm vụ khôi phục sự thống nhất của EU và định vị châu Âu như một người chơi địa chính trị hiệu quả hơn trong “một thế giới luôn thay đổi không ngừng”. Mặc dù, thị trường chung vẫn là tài sản quý giá đối với các thành viên EU mà họ khó có thể muốn mất chỉ vì các thỏa thuận song phương với Anh, nhưng một số nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng, an ninh của khối phụ thuộc vào mối quan hệ chặt chẽ của người châu Âu. “Chúng ta đang ở trong thế giới của những cường quốc. Chúng ta cần phải đoàn kết” - ông Emmanuel Macron phát biểu hồi tháng 10.

Văn Đức

Tin mới