Cách đây 5 năm, V-League chào đón tân binh CLB Hà Nội lên chơi từ giải hạng Nhất. Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Đức Thắng là đại diện thứ hai của Thủ đô đá mùa 2016, bên cạnh Hà Nội T&T từ bầu Hiển.
Không sánh được với Hà Nội T&T về danh tiếng, nhưng CLB Hà Nội có một lượng khán giả nhất định. Hàng trăm cổ động viên CLB Hà Nội đã có mặt ở khán A, mặc áo hồng, để chứng kiến trận ra quân gặp HAGL của đội bóng con cưng.
Đó là một trong những trận cuối cùng trước khi đội bóng Thủ đô bước đến ngưỡng cửa lịch sử.
Sài Gòn FC là hiện tượng V-League 2020.
Cuộc chuyển giao chớp nhoáng
Ngày 3/3/3016, thông tin CLB Hà Nội chuẩn bị "Nam tiến" râm ran trên báo. Theo kế hoạch, đội bóng của HLV Đức Thắng đá nốt vòng 4, rồi chuyển vào TP.HCM, đổi tên thành Sài Gòn FC.
31/3/2016, VFF và VPF nhận công văn xin thay tên, đổi họ của CLB Hà Nội. 5/4/2016, cuộc chuyển giao được phê duyệt mà một quan chức VFF vẫn không quên cảm giác ngỡ ngàng khi được gợi lại. Từ CLB Hà Nội đến Sài Gòn FC, tất cả diễn ra trong 5 ngày.
Không chỉ giới mộ điệu, mà các cầu thủ cũng bị sốc. "Tôi đấu tranh quyết liệt để ở lại nhưng rồi bị thuyết phục bởi trọng trách. Ngọc Duy quyết định đi nên cả hai cùng lao, bắt đầu làm lại", hậu vệ Nguyễn Quốc Long nhớ lại.
HLV Đức Thắng lại thương cầu thủ vì "có những người mới về Hà Nội sau một thời gian dài phiêu bạt tại Đồng Nai hay khắp các tỉnh thành khác. Họ có gốc gác phía Bắc như Vĩnh Phúc, Nam Định hay xa hơn là Nghệ An. Họ muốn về Hà Nội để được gần nhà hơn".
Quốc Long và đồng đội đột ngột phải vào TP.HCM thi đấu.
Đột ngột di chuyển 1.700 km để đá bóng ở phương trời xa lạ là thách thức khổng lồ với CLB non trẻ, mới hít thở bầu không khí V-League chưa nổi 3 tuần.
Bóng đá TP.HCM có không ít CLB "ăn nhờ ở đậu", hầu hết trong số này đều có hậu vận tăm tối. Năm 2011, lãnh đạo CLB Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh mua lại suất đá hạng Nhất của Hòa Phát V&V, hợp nhất với Hà Tĩnh và chuyển đội vào TP.HCM, lấy tên là Xi măng Xuân Thành Sài Gòn.
Được đầu tư "khủng", Xuân Thành Sài Gòn đua vô địch, nhưng thất bại ở V-League 2012. Năm 2013, đội bóng giải thể. Cũng "yểu mệnh" như Xuân Thành Sài Gòn còn có Sài Gòn United và Navibank Sài Gòn - đội bóng có tiền thân là Quân khu 4 của HLV Vũ Quang Bảo.
Navibank Sài Gòn sớm nở, sớm tàn.
Các đội bóng mang mác Sài Gòn tồn tại lay lắt kiểu "đẽo cày giữa đường" với công thức chung: lãnh đạo đổ tiền làm bóng đá, mua sao, tuyên bố đao to búa lớn và giải thể đội bóng khi đã... chán chơi. Bóng đá Sài Gòn trở thành quân cờ cho những mục tiêu ngoài bóng đá của các doanh nhân. Khán giả không được coi trọng.
Nhiều người lo Sài Gòn FC cũng "vắn số" như vậy.
Phận "con ghẻ" và ý chí vươn lên
Sài Gòn FC không được chào đón, dù khán giả TP.HCM "đói" bóng đá từ lâu. Các trận đấu lác đác khán giả. Sân Thống Nhất chỉ sôi động khi Sài Gòn FC gặp HAGL, SLNA, nơi phần đông đến xem và cổ vũ đội khách.
"Khi chuyển tên thành Sài Gòn FC và di chuyển vào TP.HCM, tôi chưa biết được liệu người hâm mộ có ủng hộ đội bóng hay không. Có lẽ toàn đội phải chờ đến khi thi đấu mới biết được.
Nhưng tôi luôn truyền đạt cho các cầu thủ của mình rằng, dù thi đấu ở đâu thì chúng ta đã được thi đấu, được chơi bóng, được cháy với đam mê của mình. Đó là hạnh phúc rồi. Phương châm của đội bóng sẽ là cống hiến hết sức mình vì khán giả", HLV Đức Thắng chia sẻ trong ngày đầu vào TP.HCM.
Video: Sài Gòn FC 1-0 HAGL
Đức Thắng đi từng ngõ ngách, ngồi với nhiều cựu cầu thủ Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM để hỏi người Sài Gòn thích bóng đá như thế nào. Nỗ lực bắt đầu đơm hoa, khi Sài Gòn FC đứng nửa trên bảng xếp hạng ở mùa đầu dự V-League.
Năm 2017, Sài Gòn FC giữ bộ khung lực lượng, chiêu mộ ngoại binh giỏi và đứng hạng 5. Khán giả bắt đầu đến sân nhiều hơn.
"Ở Sài Gòn FC có sự xen kẽ một chút thực dụng của Hải Quan, một chút máu lửa của Công an TP.HCM, một chút hào hoa của Cảng Sài Gòn", HLV Đức Thắng tự hào kể lại với báo giới về đứa con tinh thần. "Chúng tôi đá hay, đá đẹp lắm".
Khi đội đang vào phom, sóng gió lại ập đến khi Chủ tịch Nguyễn Giang Đông từ chức, nhường chỗ cho ông Trần Tiến Đại. Mùa 2018, Sài Gòn FC trụ hạng, để rồi bật lên khi Chủ tịch Dương Nghiệp Khôi và HLV Nguyễn Thành Công lần lượt cập bến.
Mùa 2019, Sài Gòn FC một lần nữa đứng ở nhóm đầu, dù không có tuyển thủ quốc gia hay ngôi sao nào.
Sài Gòn FC thăng tiến thần tốc.
Quyết tâm "Nhật hóa"
Nguyên nhân Sài Gòn FC bị ghẻ lạnh cũng chính là lý do đội bóng này thành công. Không thuộc hình mẫu CLB được tỉnh nhà chiều chuộng, o bế và mang bản sắc địa phương, Sài Gòn FC buộc phải chiến đấu để được tôn trọng và thừa nhận. Họ không muốn trở thành tấn bi hài kịch như Sài Gòn Xuân Thành năm nào.
Khó khăn dập tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng lên ngọn lửa lớn. Sài Gòn FC là "ngọn lửa lớn", cháy hừng hực qua rất nhiều thử thách.
Mùa 2020 là bước ngoặt với Sài Gòn FC. 3 đại gia Hồ Quốc Minh, Nguyễn Cao Trí, Trần Hòa Bình chung tay thâu tóm CLB, ông Vũ Tiến Thành giữ cương vị chủ tịch.
Sau vòng đầu, HLV Hoàng Văn Phúc từ chức, Sài Gòn FC lại làm chuyện chưa ai làm: ông Vũ Tiến Thành ngồi luôn ghế huấn luyện, trở thành người đầu tiên vừa là chủ tịch, vừa là HLV. Dường như Sài Gòn FC luôn được lịch sử lựa chọn cho những điều bất thường.
Không ai có thể đánh giá thấp Sài Gòn FC.
Và một lần nữa, đội bóng này lại vượt qua. Dẫn đầu bảng V-League gần hết lượt đi, giành huy chương đồng với lực lượng khiêm tốn, đội bóng Sài Thành cho thấy sức sống mãnh liệt.
5 năm thăng trầm chưa thể giúp Sài Gòn FC thành thế lực V-League, nhưng chắc chắn đội bóng này sẽ không đi vào vết xe đổ của các đội TP.HCM trước kia. Đây là đội bóng của người Sài Gòn, với dự án bóng đá nghiêm túc, chiến lược bài bản và hướng tới khán giả, qua các dự án cộng đồng tổ chức suốt 2 năm qua.
Thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng FC Tokyo, chiêu mộ 3 ngoại binh Nhật Bản, trong đó có Daisuke Matsui - cựu cầu thủ từng đá World Cup, hay mới nhất là tạo điều kiện cho Cao Văn Triền sang Nhật Bản thi đấu, chỉ là những bước đầu tiên trong tham vọng của đội bóng này.
"Chủ tịch Sài Gòn FC nói về kế hoạch muốn làm những điều tích cực cho bóng đá Sài Gòn và bóng đá Việt Nam. Chủ tịch rất tâm huyết với bóng đá, không quan trọng thành tích lúc này, mà chỉ quan tâm để mang tới những mặt tốt đẹp cùng sự cải thiện về chuyên môn để bóng đá Việt Nam có thể tiến gần thế giới", Cao Văn Triền chia sẻ.
Từ chỗ phải chiến đấu để tìm kiếm sự thừa nhận, Sài Gòn FC đã bắt đầu nghĩ đến những điều lớn lao hơn.