Khái niệm "derby" đã tồn tại rất lâu trong lịch sử bóng đá thế giới, nơi các CLB cùng thành phố, vùng miền có trận so tài để tranh giành tầm ảnh hưởng, quyền lực bên cạnh điểm thuần túy ở giải VĐQG.
Bóng đá miền Nam từng tự hào có trận derby máu lửa giữa Cảng Sài Gòn và Công An TP.HCM. Những năm đầu thập niên 2000, cả hai đội bóng đầy ắp nhân tài.
Tiền vệ tài hoa một thời Nguyễn Minh Phương khẳng định: "Thời ấy Cảng Sài Gòn quá nhiều cầu thủ giỏi, tôi không chen chân được, phải lùi xuống đá hậu vệ". Các trận đấu kéo khán giả nêm chật sân, đến nỗi phe vé không đủ vé để bán.
Cảng Sài Gòn từng là niềm tự hào của bóng đá TP.HCM.
Sau năm 2009, các đại diện TP.HCM lùi vào dĩ vãng. Bóng đá TP.HCM chứng kiến Navibank Sài Gòn, Sài Gòn United, Sài Gòn Xuân Thành chơi kiểu "ăn xổi ở thì", làm bóng đá tùy hứng và bào mòn niềm tin người hâm mộ.
Khi CLB TP.HCM trở lại V-League và Sài Gòn FC chuyển khẩu vào Nam, "lửa" derby miền Nam mới cháy trở lại. Tuy cách làm khác nhau, nhưng hai đội bóng đều đang đi trên những con đường riêng và hứa hẹn gặt hái thành quả.
CLB TP.HCM thương mại hóa bóng đá
Trở lại V-League năm 2017, CLB TP.HCM đã cho thấy cách làm bóng đá "khác người". Đội chủ sân Thống Nhất chỉ tuyển các chuyên gia ngoại ngồi ghế huấn luyện, bắt đầu từ Alain Fiard, Toshiya Miura, Chung Hae Seong đến Alexandre Polking hiện tại. CLB TP.HCM là đội duy nhất dùng 100% HLV ngoại trong 4 năm qua.
Giống với Hà Nội FC (tiền thân là Hà Nội T&T) lên hạng năm 2009 và bắt đầu chiến dịch mua sao rầm rộ để xây dựng thương hiệu, CLB TP.HCM cũng vung tiền chiêu mộ nhân tài.
Nguồn tiền khổng lồ từ các tập đoàn mạnh giúp đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng mang về nhiều cầu thủ giỏi như Trần Phi Sơn, Nguyễn Công Phượng, Ngô Hoàng Thịnh, Lee Nguyễn, bên cạnh các ngoại binh đắt giá.
Công Phượng trong màu áo CLB TP.HCM.
Không chỉ mua sắm, CLB TP.HCM còn tích cực làm hình ảnh. Năm 2017, cựu Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh hoàn tất xây lại phòng thay đồ sân Thống Nhất theo chuẩn châu Âu, lắp đặt bảng điện tử chạy chữ và trực tiếp xuống sân bán vé cho CĐV.
CLB TP.HCM còn đánh tiếng chiêu mộ Rodrigo Possebon, cựu thần đồng Manchester United, thử việc David N'Gog hay tung tin theo đuổi tiền đạo ngôi sao Dimitar Berbatov. Nhờ những thương vụ bóng bẩy được "khua chiêng gõ mõ", CLB TP.HCM trở thành hiện tượng truyền thông.
Năm 2019, Chủ tịch Hữu Thắng chia sẻ: CLB TP.HCM sẽ mang thêm nhiều cầu thủ giỏi, với lượng khán giả hâm mộ có sẵn, để xây dựng và nâng cao tầm vóc đội bóng. Kết quả là, Bùi Tiến Dũng và Công Phượng được mang về.
Tuy nhiên, giống như chiếc xe sang được bọc bằng lớp vỏ hào nhoáng nhưng thiếu động cơ chất lượng, CLB TP.HCM chỉ thăng tiến về hình ảnh thuần túy. Về chuyên môn, đội bóng của TP.HCM cũng tiến bộ khi trở thành ứng viên đua vô địch, song sự tiến bộ ấy không tương xứng với khoản tiền bỏ ra.
Phòng thay đồ là biểu tượng của CLB TP.HCM hào nhoáng, nhưng thiếu vững bền.
Mùa 2020, CLB TP.HCM thay 8 lượt ngoại binh, trong đó riêng hai tiền đạo Costa Rica đã ngốn hơn 20 tỷ đồng, nhưng chỉ đóng góp... 7 trận. Mùa này, đội bóng của HLV Polking thay máu lực lượng, chi 12 tỷ đồng cho Lee Nguyễn và mua 3 tiền đạo ngoại mới, nhưng chỉ có 3 điểm sau 3 vòng.
CLB TP.HCM không thiếu và tiếc tiền, dù vậy, khát vọng thành công quá lớn khiến CLB liên tục đập đi xây lại, mang về những mảnh ghép mới khi nền móng chưa đủ vững chãi.
Toàn bộ đội hình TP.HCM hiện tại không còn cái tên nào từng cống hiến từ năm 2017, khi CLB này vô địch hạng Nhất để trở lại V-League. 4 HLV thay nhau đến và đi trong 5 năm qua cũng cho thấy sự bất ổn của đội bóng này.
CLB TP.HCM đã và đang thu hút khán giả để sân nhờ tên tuổi và thương hiệu, đúng như mong muốn của ban lãnh đạo, song để làm bóng đá bền vững với bản sắc và thành tích, CLB TP.HCM cần thời gian và kiên nhẫn.
Sài Gòn FC xây nhà từ móng
Nếu CLB TP.HCM là chiếc xe mang vỏ bọc hào nhoáng, mà động cơ lại bất ổn, Sài Gòn FC ở khía cạnh đối lập. Họ là chiếc xe cũ với lớp vỏ bình thường, nhưng sở hữu dàn máy bền bỉ và cực kỳ chất lượng.
Sài Gòn FC từng bị tẩy chay khi chuyển vào TP.HCM. Một đội bóng mang tên CLB bóng đá Hà Nội, bỗng dưng... chuyển tên, chuyển nhà trở thành chủ đề đàm tiếu, mỉa mai của giới chuyên môn. Đội bóng này thi đấu với phận "con ghẻ", các trận đấu lác đác khán giả và chưa bao giờ được coi là đứa con của bóng đá TP.HCM.
Sài Gòn FC từng chịu phận "con ghẻ".
Tuy nhiên, Sài Gòn FC có sự cầu thị và cách làm bóng đá bài bản. Cựu HLV Nguyễn Đức Thắng từng kể chuyện đi gặp gỡ các cựu danh thủ Sài Gòn để hỏi khán giả nơi đây muốn xem thứ bóng đá như thế nào, qua đó về xây dựng cho CLB của ông.
Thành quả của quá trình phấn đấu là thứ hạng ổn định qua từng năm, với đỉnh cao là huy chương đồng mùa 2020. Sài Gòn FC có tới 3/5 mùa nằm trong nhóm 5 đội dẫn đầu, trong bối cảnh không có tuyển thủ quốc gia nào. Đây là đội duy nhất ở V-League làm được điều này.
Nói về Sài Gòn FC, BLV Quang Huy nhấn mạnh: "Gái có công thì chồng chẳng phụ, cứ nỗ lực rồi khán giả sẽ đáp lại". Lối chơi cống hiến, khoa học và bài bản giúp Sài Gòn FC được đón nhận nhiều hơn, bắt đầu có CĐV trung thành và thành tích.
Mùa trước, lãnh đạo CLB ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với FC Tokyo, đưa chuyên gia Nhật Bản sang hỗ trợ làm bóng đá cộng đồng, mang về 3 tân binh Nhật Bản và đưa Cao Văn Triền, cầu thủ tốt nhất, sang J-League 2 thi đấu vào tháng 7.
Matsui (phải) trong màu áo Sài Gòn FC.
Chủ tịch Trần Hòa Bình nói Sài Gòn FC không quan tâm đến danh hiệu lúc này, khi chiến lược dài hạn vẫn quan trọng hơn cả. Sài Gòn FC chưa nghĩ tới lúc "hái quả ngọt" thành tích, tức là CLB này xác định còn có thể làm được tốt hơn. Huy chương đồng năm 2020 chưa phải đỉnh cao cuối.
CLB TP.HCM và Sài Gòn FC đều có những con đường riêng. Trận derby Sài Gòn tới đây chưa thể cho thấy đội bóng nào mới là "minh chủ", nhưng đây sự kèn cựa, cạnh tranh giữa hai đội cùng thành phố là tín hiệu tích cực với bóng đá TP.HCM.
Sau gần hai thập kỷ, "lửa" derby miền Nam đã rực cháy trở lại.