Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, vấn đề cung ứng thực phẩm trở nên nan giải hơn bao giờ hết khi 3 chợ đầu mối của TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động, khâu vận chuyển hàng hóa gặp khó, nguồn cung giảm sút.
Không còn né tránh sự thật, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thừa nhận hiện thành phố đang thiếu hụt nguồn cung rau củ quả với sản lượng khoảng 1.000 - 1.500 tấn/ngày. Nguyên do vì các tỉnh thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để chặn đứt nguồn lây dịch bệnh, khâu vận chuyển hàng hoá cũng vì vậy gặp khó khăn nghiêm trọng.
Tháo toàn bộ ghế ở khoang hành khách để sử dụng không gian chứa rau củ.
Để "gỡ nút thắt" trong khâu vận chuyển hàng hoá, mới đây Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP đã xin được dùng 5 con tàu của mình để vận chuyển miễn phí rau củ từ miền Tây về cung ứng cho TP.HCM. Đáng nói, giá trị mỗi con tàu này lên tới hàng triệu USD.
Sáng 19/7, trả lời VTC News, ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP cho biết, chuyến tàu đầu tiên đã được nhổ neo vào sáng nay, chính ông đang có mặt trên con tàu để tiếp sức cho mọi người hoàn thành công việc.
Tàu xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM), điểm đến là Long An, Bến Tre và Tiền Giang. Theo lịch trình, các chuyến tàu sẽ xuất phát hằng ngày vào 6h, 12h sẽ quay lại TP.HCM; 13h tiếp tục khởi hành chuyến thứ 2, đến 19h trở lại thành phố. Như vậy, mỗi con tàu sẽ chạy được 2 chuyến/ngày.
Sau khi tháo hết ghế ở khoang hành khách, tàu sẽ chở được khoảng 20 tấn hàng/chuyến.
Theo ông Hải, để đáp ứng được nhu cầu chở rau củ, tàu cao tốc của ông phải tạm bỏ đi công năng vốn dĩ là chở hành khách. 5 con tàu (mỗi tàu giá hàng triệu USD) đã được tháo dỡ toàn bộ ghế ở khoang hành khách để sử dụng không gian chứa rau củ. Sau khi tháo hết ghế, tàu sẽ chở được khoảng 20 tấn hàng/chuyến, tương đương với khoảng 30 xe tải nhỏ.
"Việc tháo hết ghế cũng không ảnh hưởng gì đâu, chúng tôi chỉ tháo đi và cất cẩn thận vào kho. Xong việc sẽ lắp lại như cũ. Tôi rất mừng khi Bộ GTVT và Sở GTVT TP.HCM chấp thuận để tôi sử dụng tàu của mình hỗ trợ công tác vận chuyển hàng hoá trong mùa dịch. Việc vận chuyển hoàn toàn miễn phí, có một số đơn vị hỗ trợ tiền dầu giúp chúng tôi, còn lại các chi phí khác như bảo trì, nhân lực... chúng tôi tự chi trả", ông Hải nói.
Một chuyến hàng của tàu cao tốc tương đương 30 xe tải nhỏ.
Để đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19, ông Hải cho biết đã "siết" rất kỹ tất cả các nhân lực làm viên trên tàu. Theo đó, toàn bộ nhân viên và lái tàu đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 và đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Ông Hải cho rằng, các tỉnh thành phía Nam đều có hệ thống sông ngòi dày đặc, liên kết với nhau. Đây là lợi thế lớn để sử dụng đường thủy vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với đường bộ. Trong tình hình dịch bệnh, đường thuỷ là phương án tốt không nên bỏ lỡ.
Chuyến tàu đầu tiên khởi hành vào sáng nay.
"Đây là lần đầu tiên chạy các cung đường mới nên chúng tôi thu gọn ở 3 tỉnh. Khoảng vài ngày sau, khi đã quen đường, có thể hạ tốc tàu thì chúng tôi sẽ chạy cả đêm và mở rộng luồng hàng tới tất cả các địa phương như Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu...", ông Hải cho hay.
Được biết doanh nghiệp Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP chuyên vận tải chở khách đường sông đang chịu thiệt hại lớn do dịch COVID-19 nhưng lãnh đạo công ty vẫn quyết tâm cùng thành phố chống dịch.
Sở GTVT TP.HCM vừa công bố luồng xanh đường thủy cho tàu cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Các mặt hàng được vận chuyển gồm hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả; thủy hải sản ... ); trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch.
5 tàu cao tốc bắt đầu khai thác từ ngày 19/7, sẽ di chuyển bằng đường thủy vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến địa bàn TP.HCM và ngược lại. Tàu cao tốc với sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/mỗi chuyến tàu.
Thời gian tàu lưu thông trên tuyến từ 6h đến 19h hàng ngày. Sau thời gian hoạt động ổn định sẽ xem xét điều chỉnh thời gian hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế, đảm bảo an toàn giao thông và hiệu quả khai thác.
Lộ trình di chuyển: Tàu xuất phát từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền - kênh Chợ Gạo – sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn 4 sông Cần Giuộc) – sông Soài Rạp – sông Nhà Bè – Sông Sài Gòn - Bến Bạch Đằng và ngược lại.