Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều tỉnh lân cận giãn cách xã hội, lương thực cung ứng cho TP.HCM sẽ thế nào?

(VTC News) -

Việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn do nhiều tỉnh, thành đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16 để tập trung chống dịch.

Tối 16/7, tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bài TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, việc triển khai vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn do nhiều tỉnh, thành đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16 để tập trung chống dịch.

Theo đó, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng đến việc thu mua, vận chuyển hàng hóa từ khâu vận chuyển nội tỉnh đến liên tỉnh.

Nguyên do vì nhiều địa phương thực hiện các biện pháp quá khắt khe như áp dụng giãn cách xã hội, xử phạt người dân khi tập trung đông người tại nơi sản xuất, một số nơi không cho phép thực hiện thu hoạch. Việc này dẫn đến số lượng lớn nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có phương án xử lý.

TP.HCM gặp khó về nguồn thực phẩm khi nhiều tỉnh đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16.

Theo ông Phương, mặt hàng thiếu nhiều nhất của người dân thành phố hiện nay là rau, củ, quả và trứng gia cầm.

Thời điểm bình thường không có dịch bệnh, người dân ở miền Tây không dự trữ trứng gia cầm họ có thể tự túc từ vật nuôi hàng ngày nên lượng trứng tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, khi nhiều tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 người dân địa phương tăng cường sử dụng trứng và dự trữ trứng làm thực phẩm khiến nguồn hàng này thiếu hụt.

Sở Công thương cho rằng Trung ương cần có sự thống nhất phương án hành động giữa các tỉnh, tránh việc mỗi nơi làm mỗi kiểu ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa.

Trước tình trạng này, Sở Công Thương TP.HCM đã liên hệ với các tỉnh, thành để rà soát, giới thiệu các đơn vị cung ứng hàng hóa có năng lực cung ứng tốt ở khu vực miền Đông, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh đó, thời gian qua, TP.HCM cũng đã ưu tiên tiêm vaccine cho người sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Ông Phương cho rằng các địa phương khác cũng cần có sự ưu tiên này để thuận lợi hơn trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa. 

Theo ông Phương, nhiều tỉnh miền Tây đã thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 và trong thời gian tới nếu các địa phương đồng loạt áp dụng chỉ thị 16 thì việc mua hàng và vận chuyển sẽ khó hơn. 

Do đó, Sở Công thương cũng đang rà soát các nơi cung ứng, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng ở những tỉnh phía Đông, Tây Nguyên, phía Bắc để chủ động nguồn hàng khi các tỉnh miền Tây "đóng cửa".

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đề xuất TP có chính sách để các doanh nghiệp bình ổn kịp thời có nguồn vốn để dự trữ hàng hóa. 

Hiện TP.HCM chỉ còn 46 chợ truyền thống hoạt động, trong khi đó năng lực cung ứng của chợ truyền thống chiếm đến 60 - 70%. Trong khi đó năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) là 25%, còn lại là các kênh phân phối khác. Vì vậy, khi các chợ truyền thống dừng hoạt động, các hệ thống mua sắm đã đẩy công suất hàng lên tối đa nhưng vẫn không đủ năng lực cung ứng, dẫn đến việc người dân xếp hàng dài chờ mua hàng.

Nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy còn do năng lực của các hệ thống phân phối chỉ đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân nhưng chưa tính toán được nhu cầu dự trữ hàng hóa cùng lúc.

Ví dụ mặt hàng trứng gia cầm, người dân miền Tây gần như không dự trữ nhiều, tuy nhiên khi các địa phương thực hiện giãn cách thì người dân bắt đầu thu mua và dự trữ. Các mặt hàng tươi sống khác cũng vậy, dẫn tới việc cung ứng cho TP.HCM giảm, không kịp đáp ứng nhu cầu của người dân TP.

Do đó, thành phố sẽ lên phương án để mở cửa chợ truyền thống trở lại song song với 3 chợ đầu mối. Tuy nhiên, nếu mở cửa trở lại, chợ truyền thống sẽ không mở cửa toàn bộ mà chỉ ưu tiên bán các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở lựa chọn một số tiểu thương. 

Ông Phương cho biết hiện nay TP thiếu hệ thống phân phối khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, vì thế nếu 3 chợ này hoạt động trở lại, các thương lái quay lại, dựa vào khả năng thu mua của mình, "thì nguồn hàng sẽ không thiếu". 

Tuệ Lâm

Tin mới