Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc hội thông qua nhiều biện pháp phòng, chống mua bán người

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân...

Sáng 28/11, với 454/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Sau khi được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong đó, nghiêm cấm các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai; xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; giả mạo là nạn nhân...

Luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Đáng chú ý, luật quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và đưa nạn nhân về nước; tương trợ tư pháp trong phòng, chống mua bán người.

Lê Hoàng (VOV.VN)

Tin mới