Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Nhiều nam giới bị cưỡng bức lao động
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho biết, thời gian trước đây, hoạt động mua bán người xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, gần đây ở nhiều vùng khác, tình hình mua bán người xảy ra rất nghiêm trọng và phức tạp.
"Nạn nhân của mua, bán người trước đây chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên, những năm gần đây có rất nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Với thủ đoạn lừa việc nhẹ lương cao, đối tượng mua bán người đã đưa nhiều nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên qua biên giới, nhất là sang Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản", đại biểu Phạm Đình Thanh nêu.
Bên cạnh đó, các nạn nhân bị tội phạm mua bán người sử dụng vào mục đích vô nhân đạo khác như buộc nạn nhân phải đi ăn xin. Ngoài lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì người khuyết tật cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người.
Đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum. (Ảnh: quochoi.vn)
Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 19), đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật.
Về việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo (Điều 26), đại biểu đề nghị bổ sung quy định Đồn Biên phòng, các đơn vị của Cảnh sát Biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh thông tin về mua bán người.
Cùng thảo luận nội dung này, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm “vùng biên giới và đối tượng yếu thế” vào khoản 4 của dự thảo Luật.
Theo đại biểu, khu vực biên giới và những nơi phức tạp về an ninh trật tự là những nơi dễ thực hiện hành vi lừa đảo, mua bán người. Các đối tượng yếu thế, khuyết tật cũng là đối tượng mà tội phạm mua bán người nhắm đến. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung người khuyết tật vào nhóm đối tượng tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tình hình mua bán người.
Theo đại biểu, khu vực biên giới và những nơi phức tạp về an ninh trật tự là những nơi dễ thực hiện hành vi lừa đảo, mua bán người. Các đối tượng yếu thế, khuyết tật cũng là đối tượng mà tội phạm mua bán người nhắm đến. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tập trung nhiều hơn
Cần xử lý hình sự hành vi mua bán thai nhi
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.
“Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người chưa có quy định nào về vấn đề trên.
Do đó, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ.
Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại…
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người. Từ đó, kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.